CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
1. ĐẠI CƯƠNG
Trong công tác khám và chữa bệnh, bên cạnh việc khai thác các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, thì vấn đề xét nghiệm được xem là rất quan trọng, nhất là trong những trường hợp khám lâm sàng không thể xác định chính xác được bệnh lý. Càng ngày người ta lại càng thấy rõ vị trí cần thiết của xét nghiệm: thiếu xét nghiệm, chẩn đoán của chúng ta trở nên mò mẫm, thiếu một chỗ dựa chính xác, chắc chắn, các công trình nghiên cứu khoa học thiếu một cơ sở khoa học có giá trị, thiếu những yếu tố để chứng minh cụ thể hoặc bị hạn chế không thể phát triển được. Công tác chăm sóc và điều trị bị cản trở và có thể có những trường hợp đáng tiếc xảy ra vì chúng ta không biết trước được.
Hiện nay, ở các nước tiên tiến, do sự phát triển của nhiều ngành khoa học cơ sở, các xét nghiệm trở nên hết sức tinh vi, phong phú, xét nghiệm đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của nền y học. Trong những năm gần đây, các xét nghiệm lâm sàng lại ứng dụng nhiều thành tựu mới, hiện đại nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của chẩn đoán và cho kết quả chẩn đoán sớm. Các ứng dụng đó đi theo hướng vi lượng và bán vi lượng hóa, tự động và bán tự động hóa, ngoài ra còn đi theo hướng xét nghiệm tổng hợp nhiều chỉ tiêu đồng thời và nhanh chóng.
Một số xét nghiệm là bằng chứng khách quan và chính xác giúp cho người thầy thuốc có hướng chẩn đoán, điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh.
Muốn cho xét nghiệm được chính xác và khả năng tin tưởng vào xét nghiệm cao, thì đòi hỏi công việc lấy bệnh phẩm cần chính xác và đúng nguyên tắc.
2. CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM
2.1. Kỹ thuật chung
2.1.1. Chuẩn bị
– Kiểm tra y lệnh.
– Ôn lại thủ thuật.
– Đánh giá bệnh nhân để xem có những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến khả năng của bệnh nhân trong quá trình làm thủ thuật.
– Kiểm tra những nhu cầu đặc biệt để chuẩn bị những dụng cụ đặc biệt hoặc giúp đỡ thêm cho bệnh nhân.
– Chuẩn bị dụng cụ:
+ Những dụng cụ cần thiết để lấy mẫu như bộ lấy máu, đặt xông tiểu…
+ Dụng cụ để đựng mẫu như ống nghiệm vô khuẩn, chai, lọ, giấy…
+ Dụng cụ để theo dõi bệnh nhân như máy đo huyết áp.
– Nhận dạng bệnh nhân để đảm bảo thực hiện đúng thủ thuật cho đúng bệnh nhân. Giải thích cho bệnh nhân chính xác điều sắp làm để làm tăng khả năng hợp tác của bệnh nhân. Cho phép bệnh nhân biểu lộ cảm xúc và hỏi những câu hỏi nếu có. Nếu bệnh nhi và bệnh nhân hôn mê phải giải thích cho người nhà bệnh nhân.
– Chuẩn bị môi trường: tuỳ thuộc vào loại thủ thuật, cần có sự kín đáo cho bệnh nhân, điều chỉnh ánh sáng, giúp đỡ tư thế và che phủ thích hợp.
– Rửa tay để kiểm soát nhiễm trùng.
2.1.2. Thực hiện
– Thực hiện hoặc giúp thực hiện thủ thuật. Đảm bảo nhận đúng lượng bệnh phẩm, bảo quản đúng, đúng thời gian và tất nhiên là đúng bệnh nhân.
– Tất cả những động tác trên được làm đồng thời với quan sát bệnh nhân để phù hợp với thủ thuật, nâng đỡ bệnh nhân và trấn an khi cần thiết.
– Xong thủ thuật để bệnh nhân ở tư thế thoải mái, dễ chịu như đặt lại tư thế, cho thuốc để giảm đau hoặc an thần. Bước này hoàn toàn phụ thuộc vào loại thủ thuật được làm.
– Thu dọn dụng cụ: dụng cụ phải được chia ra theo loại dụng cụ và chính sách của bệnh viện. Ngay cả những dụng cụ dùng một lần cũng phải bảo quản an toàn, sắp đặt những vật liệu (kim, mảnh vỡ) ở nơi thích hợp.
– Khía cạnh quan trọng khác là xử lý và bảo quản mẫu đúng. Cần phải biết mẫu nên được giữ ấm, hay để tủ lạnh, hay đưa ngay đến phòng xét nghiệm, hoặc xử lý băng cách đặc biệt nào khác. Ngoài ra, dán nhãn phải đầy đủ và chính xác. Mặc dù mỗi bệnh viện có những chính sách riêng, nhưng những thông tin sau thường phải có: tên của bệnh nhân, số nhận dạng, tuổi, số phòng (nếu bệnh nhân năm viện), và tên của bác sĩ chỉ định xét nghiệm. Nếu bệnh nhân bị bệnh lây nhiễm thì nên ghi nhận điều này trên mẫu hoặc giấy xét nghiệm để bảo vệ cho nhân viên xét nghiệm, người xử lý bệnh phẩm.
– Rửa tay để kiểm soát nhiễm trùng.
2.1.3. Đánh giá
Khi đánh giá cần sử dụng những tiêu chuẩn sau:
– Đúng bệnh phẩm.
– Đúng số lượng.
– Bệnh nhân dễ chịu cả về mặt thể chất và tinh thần.
2.1.4. Ghi nhận và báo cáo
– Thời gian, ngày làm và loại thủ thuật.
– Đáp ứng của bệnh nhân khi làm thủ thuật.
– Thuốc, dịch và số lượng được sử dụng.
– Tính chất của mẫu bệnh phẩm cũng nên được ghi nhận.
– Tên người thực hiện.
2.2. Kỹ thuật đặc hiệu
2.2.1. Lấy bệnh phẩm máu
Máu là một thành phần tổ chức của cơ thể rất quan trọng vì máu liên hệ với mọi bộ phận, cơ quan trong cơ thể. Do đó, về mặt bệnh lý, máu chịu ảnh hưởng của tất cả các bệnh của tổ chức, đồng thời với những bệnh riêng của cơ quan tạo máu (như: ung thư tủy xương, bệnh leucemia…).
Lấy các bệnh phẩm máu để làm các xét nghiệm về vật lý, sinh hoá, tế bào, và vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng). Máu tĩnh mạch thường được sử dụng cho hầu hết mọi xét nghiệm máu, trừ trường hợp đo khí máu phải lấy máu động mạch.
– Nguyên tắc lấy máu:
+ Xa giờ ăn, bệnh nhân không vận động để tránh trường hợp tăng bạch cầu sinh lý sau bữa ăn và do vận động nhiều.
+ Vào một giờ nhất định để so sánh với các lần thử trước cho chính xác.
+ Có thể lấy máu ở chỗ nào cũng được nhưng thông thường lấy máu các mao mạch ở đầu ngón tay hoặc ở dái tai đối với trẻ con.
Người ta thường lấy máu theo hai cách:
– Lấy máu mao mạch.
– Lấy máu tĩnh mạch.
2.2.1.1. Lấy máu mao mạch
Thường là các xét nghiệm đòi hỏi lấy máu với số lượng ít dưới 0,5ml. Trong những trường hợp bệnh nhân có sốt cao, rét run hay có hiện tượng shock thì phải lấy máu tĩnh mạch.
Vị trí lấy máu: ở dái tai hay đầu ngón tay.
Kỹ thuật:
– Vuốt nhẹ nhàng ngón tay thứ 4 cho máu dồn ra đầu ngón tay nếu lấy máu ở ngón tay.
– Sát khuẩn dái tai, hoặc đầu ngón tay định lấy máu bằng cồn 90o.
– Dùng kim vô trùng chích đủ sâu khoảng 2mm để máu tự chảy ra.
– Cầm lam kính bằng ngón cái và ngón trỏ, áp nhẹ lam kính vào vị trí vừa chích máu. Để máu dính vào lam kính thành một giọt tròn đường kính khoảng 5mm. Lấy hai giọt máu như vậy gần bên cạnh nhau, khoảng 1/3 ngoài của lam kính để làm một giọt đặc và một giọt dải (hình 11.1).
Hình 11.1. Kỹ thuật làm giọt đặc và giọt dải |
a) Kỹ thuật làm giọt đặc
Dùng một góc của lamen đặt vào giữa giọt máu và khuấy đều, thành những đường tròn đồng tâm từ trong ra ngoài và rộng dần, sao cho diện tích của giọt này rộng gấp rưỡi hay gấp đôi so với giọt máu ban đầu và nhẹ nhành lấy lamen ra khỏi giọt máu.
b) Kỹ thuật làm giọt dải
Dùng bề rộng của lamen đặt vào giọt thứ hai sao cho góc hợp bởi lamen và lam kính là 30o, day nhẹ lam kính cho giọt máu loang ra dọc lam kính để giọt máu được dàn mỏng, đều và nhẹ nhàng kéo lamen dọc theo lam kính. Sau khi làm xong giọt dải thì đuôi vát như hình đầu lưỡi không có vệt ngang dọc hay đứt đoạn.
Để lam kính khô rồi cố định phần giọt dải bằng cồn 90o và giọt đặc thì để nguyên.
2.2.I.2. Lấy máu tĩnh mạch
– Các xét nghiệm đòi hỏi lấy số lượng máu nhiều hơn 0,5ml. Các xét nghiệm sinh hóa thường phải lấy máu nhiều hơn.
– Thường lấy máu vào buổi sáng sớm khi bệnh nhân mới ngủ dậy, chưa ăn uống gì để kết quả được chính xác, hoặc lấy máu theo yêu cầu trực tiếp của từng xét nghiệm.
– Trong trường hợp bệnh nhân đang truyền tĩnh mạch, thì bất đắc dĩ lắm mới lấy máu qua dây truyền, nhưng cần bỏ đi từ 10 đến 15ml máu ban đầu.
– Đối với những bệnh nhân cần lấy máu nhiều lần, cách nhau hàng giờ thì có thể lưu kim tại chỗ để tránh chích kim nhiều lần, nhưng phải cho một ít chất chống đông để kim khỏi bị tắc.
– Tùy theo yêu cầu của mỗi loại xét nghiệm mà lấy máu toàn phần hay huyết thanh và có chất chống đông hay không?
– Kỹ thuật lấy máu:
+ Cho bệnh nhân nằm thoải mái trên giường, nếu trẻ nhỏ phải có người giữ.
+ Chọn vị trí tĩnh mạch định lấy máu, thường là vùng tĩnh mạch khuỷu tay.
+ Lắp kim vào bơm tiêm và kiểm tra xem kim có thông không?
+ Buộc dây garô trên vị trí khuỷu tay khoảng 5cm.
+ Sát khuẩn vùng da định lấy máu. Chích kim vào tĩnh mạch và rút nhẹ nhàng cho máu vào bơm tiêm với số lượng máu theo yêu cầu của từng xét nghiệm.
+ Sau khi lấy đủ số lượng máu theo yêu cầu thì tháo dây garô, rút kim ra, ấn nhẹ bông nơi tiêm, yêu cầu bệnh nhân gấp tay lại.
+ Tháo kim tiêm ra khỏi bơm tiêm và từ từ cho máu vào ống nghiệm. Khi cho máu vào ống
nghiệm nên để ống nghiệm nghiêng một góc 450 và cho máu chảy dọc theo thành ống nghiệm
xuống, nhằm tránh vỡ hồng cầu, tránh sủi bọt. Sau đó nút ống nghiệm lại và gửi đi xét nghiệm. Nếu
ống nghiệm có chất chống đông thì cần lắc nhẹ cho máu trộn đều.
Chú ý: Khi cùng một lúc lấy máu cho nhiều loại xét nghiệm, không được lấy máu vào một ống nghiệm rồi san sẻ cho các ống khác, làm như vậy có thể làm sai lệch kết quả vì mỗi ống có thể có chất chống đông khác nhau.
2.2.2. Lấy bệnh phẩm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán một cách tương đối chính xác các bệnh về thận, gan, tuyến nội tiết, chuyển hóa các chất trong cơ thể, thai nghén, sự bài tiết các chất thuốc đưa vào cơ thể, nhiễm khuẩn và ký sinh trùng.
Nước tiểu có thể lấy để làm nhiều loại xét nghiệm khác nhau. Mỗi loại xét nghiệm cần xác định phương pháp lấy. Những cách lấy nước tiểu khác nhau bao gồm: lấy mẫu ngẫu nhiên, lấy mẫu có thời gian (thường trong 24 giờ), lấy mẫu từ hệ thống dẫn lưu nước tiểu kín, lấy mẫu vô khuẩn (qua xông tiểu), lấy mẫu sạch.
2.2.2.1. Lấy mẫu ngẫu nhiên
Mẫu có thể được lấy ở bất kỳ thời điểm nào, sử dụng một cái cốc sạch. Bình chứa không cần phải vô khuẩn. Mẫu nên được đưa ngay lập tức đến phòng xét nghiệm để tránh sự phát triển của vi khuẩn và thay đổi những thành phần của nước tiểu.
2.2.2.2. Lấy mẫu có thời gian
Mẫu được lấy trong thời gian 24 giờ. Nước tiểu được thu thập trong bình gallon bằng nhựa có chứa chất bảo quản. Bình đựng nước tiểu nên được để trong tủ lạnh hoặc giữ lạnh bằng đá trong 24 giờ để làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và ổn định các thành phần trong nước tiểu.
2.2.2.3. Lấy mẫu từ hệ thống dẫn lưu kín
Mẫu vô khuẩn có thể được lấy từ những bệnh nhân có đặt xông Foley hoặc hệ thống dẫn lưu kín. Mẫu vô khuẩn được sử dụng để nuôi cấy (hình 11.2).
Mẫu vô khuẩn không nên nhận từ những túi dẫn lưu vì những thành phần trong túi dẫn lưu nước tiểu có thể thay đổi, dẫn đến kết quả không chính xác và vi khuẩn phát triển nhanh trong những túi dẫn lưu. Sát khuẩn ống ở nơi định lấy. Dùng kim đâm vào vị trí chuyên dụng trên xông để lấy nước tiểu.
Hình 11.2. Cách lấy nước tiểu từ hệ thống dẫn lưu kín |
2.2.2.4. Mẫu vô khuẩn
Đôi khi cần lấy mẫu vô khuẩn ở những bệnh nhân không đặt xông hoặc không có hệ thống dẫn lưu kín. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đặt xông tiểu để lấy mẫu nước tiểu.
2.2.2.5. Lấy mẫu sạch
Tiến hành lấy mẫu để đảm bảo mẫu không bị nhiễm bởi các vi khuẩn khác ở da. Những kỹ thuật vô khuẩn khác nhau được sử dụng riêng cho nam và nữ. Bệnh nhân nữ rửa vùng hậu môn sinh dục từ trước ra sau rồi cho nước tiểu vào bình. Bệnh nhân nam rửa từ đầu dương vật đi xuống rồi đi vào trong bình đựng mẫu.
2.2.3. Lấy mẫu nghiệm phân
Xét nghiệm phân có một giá trị đặc biệt để chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa:
– Nghiên cứu sự bài tiết các chất dịch tiêu hóa.
– Kiểm tra vi khuẩn và ký sinh trùng đường ruột.
– Thăm dò chức năng đường tiêu hóa.
Đồng thời, xét nghiệm phân cũng giúp chẩn đoán một số bệnh toàn thân của bộ phận khác như: tắc mật, xơ gan, lao phổi…
* Kỹ thuật:
– Bệnh nhân đi đại tiện vào trong chậu sạch hoặc bình đựng.
– Dùng lọ sạch có nút đậy và có que để lấy phân. Xét nghiệm tìm vi trùng, cần tránh vi khuẩn bên ngoài ô nhiễm vào, dùng lọ phải sạch và vô khuẩn, lấy phân thật cẩn thận, tránh giây cả nước tiểu vào. Nếu chỉ xét nghiệm giun, sán, amíp… không cần phải dùng lọ vô khuẩn.
– Số lượng phân định lấy khoảng 10 đến 15gam, lấy ở những nơi có nghi ngờ như những nơi có đờm và nhầy mũi hay có máu. Nếu lấy phân qua thời gian dài phải để trong tủ lạnh.
– Những trường hợp đặc biệt:
+ Kiểm tra amíp hay trực khuẩn lỵ: lấy phân chỗ máu, mũi, mủ nhiều nhất. Có thể lấy chất nhầy ở trong màng ruột khi soi hậu môn dễ thấy hơn.
+ Kiểm tra giun kim và trứng giun: lấy que có bông, gạt các chất ở kẽ hậu môn hoặc cho vào lỗ hậu môn ngoáy mấy lần rồi rút ra, phết vào phiến kính.
+ Lọ phân phải đậy kín và gửi sớm đến phòng xét nghiệm. Đối với các xét nghiệm cần tìm amíp và trùng roi cần gửi đi xét nghiệm ngay và bảo quản ở nhiệt độ 37oC, bằng cách quấn bên ngoài ống nghiệm một miếng gạc ấm hay có thể kẹp vào nách nhân viên y tế.
+ Đối với trứng hoặc bào nang nếu phòng xét nghiệm ở xa, cần phải bảo quản cho khỏi hư hỏng: cho vào lọ phân một lượng tương đương formol 5% để cố định lại.
– Lọ đựng phân phải dán tên bệnh nhân. Phiếu gửi ghi rõ tên, tuổi, căn bệnh, những yêu cầu về xét nghiệm. Nếu có uống thuốc gì cũng phải ghi rõ.
2.2.4. Lấy mẫu nghiệm đờm
Xét nghiệm đờm rất quan trọng để chẩn đoán các bệnh đường hô hấp, thông dụng nhất là để kiểm tra trực khuẩn Koch, xác định bệnh lao phổi. Đối với bệnh này, xét nghiệm đờm trở thành một yếu tố quyết định hơn cả lâm sàng và X quang.
– Lấy vào buổi sáng sớm sau khi bệnh nhân đã đánh răng và súc miệng.
– Giải thích cho bệnh nhân biết mẫu phải là đờm được ho lên từ phổi. Nước bọt không giúp cho chẩn đoán được.
– Cầm cốc lấy mẫu vô khuẩn ở tay.
– Yêu cầu bệnh nhân thở sâu vài lần rồi ho mạnh.
– Đờm được khạc vào cốc vô khuẩn và không chạm vào bên trong của cốc.
– Có thể lấy đờm sâu tận thanh quản bằng cách dùng đèn soi.
– Sau khi lấy đờm xong cho vào lọ và đậy nắp lại.
– Đối với trẻ em hoặc người già yếu không có khả năng khạc đờm được thì lấy đờm bằng cách dùng que tăm bông vô khuẩn lấy dịch nhầy sau họng hay ở ngã ba hầu họng, hoặc có thể lấy dịch dạ dày và phân để làm xét nghiệm.
2.2.5. Lấy mẫu nghiệm mủ
Đối với các trường hợp có vết thương hở có mủ hay ổ áp xe hở, có thể lấy mủ bằng cách dùng que tăm bông vô khuẩn nếu mủ ít, hay dùng bơm tiêm để hút mủ nếu lượng mủ nhiều.
Sau khi lấy mủ xong cần cho vào môi trường nuôi cấy ngay.
Đối với ổ nung mủ kín thì lấy mủ bằng cách chọc qua da sau khi đã sát khuẩn vùng da định chọc.
Đối với ổ áp xe lạnh không được chọc kim qua da ngay trên ổ áp xe mà phải chọc từ ngoài vào qua lớp cơ để tránh dò.
EBOOK – SÁCH ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
HỒ SƠ BỆNH NHÂN VÀ CÁCH GHI CHÉP
KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
CHUẨN BỊ GIƯỜNG BỆNH
CHO BỆNH NHÂN DÙNG THUỐC
PHƯƠNG PHÁP VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN HỆ TIẾT NIỆU
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN Ở HỆ TIÊU HOÁ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN KHI ĐAU
CHĂM SÓC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
CÁC TƯ THẾ NGHỈ NGƠI TRỊ LIỆU
CHĂM SÓC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CƠ THỂ
ĐO DẤU HIỆU SỐNG
KỸ THUẬT TIÊM THUỐC
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
THÔNG TIỂU
THỤT THÁO
PHƯƠNG PHÁP CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN
RỬA TAY NGOẠI KHOA (SCRUBBING)
MẶC ÁO VÀ MANG GĂNG TAY VÔ TRÙNG (GOWNING AND CLOSED GLOVING)
KỸ THUẬT BĂNG BÓ
RỬA TAY THƯỜNG QUY
THAY BĂNG, RỬA VẾT THƯƠNG ỐNG DẪN LƯU
CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
ĐẶT XÔNG DẠ DÀY – RỬA DẠ DÀY
LIỆU PHÁP ÔXY
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC CHỌC DÒ TUỶ SỐNG, MÀNG BỤNG, MÀNG PHỔI VÀ MÀNG TIM
ĐO LƯỢNG DỊCH VÀO – RA
DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐIỆN GIẬT
SƠ CỨU BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN DO NƯỚC
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN DO NHIỆT
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC ĐẶT CATHETER VÀ ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN
SƠ CỨU GÃY XƯƠNG