ĐẶT XÔNG DẠ DÀY – RỬA DẠ DÀY
1. ĐẶT XÔNG DẠ DÀY
1.1. Mục đích của đặt xông dạ dày
Giảm sức ép, nuôi dưỡng, gây sức ép cầm máu, và rửa dạ dày trong trường hợp ngộ độc…
1.2. Dụng cụ
– Ông xông dạ dày (hình 12.1).
– Cốc nước với ống hút, 1 khăn bông, 2 khăn mặt.
– Đè lưỡi, đèn soi, băng keo rộng 2,5cm.
– Nước muối sinh lý, paraíin, cồn benzoin, găng.
Hình 12.1. Ống xông dạ dày |
1.3. Kỹ thuật tiến hành
1.3.1. Chuẩn bị
– Xác định đúng bệnh nhân và giải thích thủ thuật sắp làm. Động viên, an ủi và yêu cầu bệnh nhân hợp tác trong quá trình thực hiện thủ thuật.
– Kiểm tra tình trạng mũi, miệng của bệnh nhân.
– Đánh giá mức độ tỉnh táo và khả năng hợp tác của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân lú lẫn, mất định hướng, hoặc không thể làm theo mệnh lệnh, cần có người giúp trong quá trình đặt xông.
– Kiểm tra y lệnh, loại xông, xông có gắn vào túi dẫn lưu hay máy hút.
– Chuẩn bị và sắp xếp dụng cụ ở giường bệnh nhân.
– Rửa tay và mang găng vô khuẩn.
1.3.2. Tiến hành
– Cho bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao. Đứng phía bên phải bệnh nhân nếu thuận tay phải, phía trái nếu thuận tay trái.
– Đặt khăn bông nhỏ trên ngực bệnh nhân, đưa khăn mặt cho bệnh nhân.
– Đo khoảng cách ống: đo từ mũi đến dái tai rồi đến mũi ức.
– Đánh dấu chiều dài của ống được đưa vào và chuẩn bị băng keo để cố định.
– Bôi trơn 7,5 – 10cm đầu ống.
– Báo cho bệnh nhân là bắt đầu tiến hành thủ thuật. Đầu tiên hướng dẫn bệnh nhân hơi ngửa cổ đưa ống xông từ từ qua mũi với đầu cong hướng xuống dưới.
– Tiếp tục đưa ống vào cho đến khi qua khỏi vùng hầu mũi bằng cách quay nhẹ nhàng ống về phía mũi đối diện.
– Khi ống xông ở ngay trên vùng hầu miệng, hướng dẫn bệnh nhân gập đầu về phía trước và nuốt. Đưa ống từ 2,5 – 5cm mỗi lần bệnh nhân nuốt.
– Kiểm tra ống đặt đúng chưa? Kiểm tra thành sau họng có bị cuốn ống không?
– Phương pháp để biết chắc ống đã vào đúng dạ dày chưa bằng 3 cách như sau:
+ Cách 1: Nhúng đầu ống vào cốc nước nếu không có sủi bọt là vào đúng trong dạ dày.
+ Cách 2: Đặt ống nghe lên vùng thượng vị, dùng bơm tiêm bơm một lượng không khí vào dạ dày, sẽ nghe thấy tiếng động ở dạ dày.
+ Cách 3: Dùng bơm tiêm hút dịch vị.
– Sau khi ống đã được cố định (hình 12.2), kẹp ống lại hoặc nối ống vào túi dẫn lưu hoặc máy hút.
– Trừ khi có y lệnh của bác sĩ, nếu không cho bệnh nhân nằm đầu cao 30o.
– Giải thích cho bệnh nhân cảm giác khó chịu sẽ giảm dần theo thời gian.
– Thu dọn dụng cụ.
– Làm sạch dụng cụ và để lại vị trí thích hợp. Cởi găng ra và rửa tay.
Hình 12.2. Cố định ống xông dạ dày |
1.4. Ghi nhận và báo cáo
– Phản ứng của bệnh nhân đối với thủ thuật.
– Ghi nhận thời gian làm thủ thuật, loại ống xông.
– Sơ bộ đánh giá đặc điểm của chất dịch dạ dày, trị số pH.
– Ông được kẹp hay đang nối với dụng cụ dẫn lưu.
1.5. Chăm sóc bệnh nhân có đặt xông dạ dày
– Một trong những vấn đề lớn nhất trong việc chăm sóc bệnh nhân có đặt xông dạ dày là giúp bệnh nhân dễ chịu.
– Chăm sóc mũi.
– Bệnh nhân có thể thở bằng miệng. Việc chăm sóc miệng thường xuyên (ít nhất 2 giờ một lần) sẽ hạn chế sự mất nước.
– Phải bảo đảm sự thông thương của ống xông.
2. RỬA DẠ DÀY
2.1. Mục đích
Rửa dạ dày là thủ thuật đưa nước vào đồng thời để hút các chất trong dạ dày ra như thức ăn, dịch vị, chất độc… Nhằm mục đích làm sạch dạ dày để phẫu thuật, thải trừ các chất độc, điều trị chứng nôn ở trẻ em, nôn nặng không cầm được ở người lớn.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định
2.2.1. Chỉ định
Rửa dạ dày thường áp dụng trong các trường hợp:
– Ngộ độc cấp thuốc ngủ, thuốc độc, thuốc phiện và các chế phẩm… (tác dụng trong 2 giờ đầu).
– Trước khi phẫu thuật dạ dày cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã ăn chưa quá 6 giờ.
– Nôn không cầm được.
– Ngộ độc rượu nặng.
2.2.2. Chống chỉ định
Rửa dạ dày không áp dụng trong các trường hợp:
– Ngộ độc axit hoặc bazơ mạnh.
– Phồng động mạch chủ, tổn thuơng thực quản, bỏng, u, dò thực quản.
– Bệnh nhân suy tim nặng, kiệt sức, trụy tim mạch…
2.3. Quy trình kỹ thuật
2.3.1. Chuẩn bị
2.3.1.1. Dụng cụ
– Ống Faucher (hình 12.3), có thể nối với dây dẫn cao su đầu tù kết hợp với quả bóp, hoặc dùng ống Levine khi rửa cho trẻ em hoặc khi cần rửa nhiều lần với điều kiện dạ dày không có thức ăn làm tắc ống; hoặc sử dụng bộ dụng cụ rửa dạ dày dùng một lần (hình 12.4).
– Ca múc nước.
– Cốc đựng nước súc miệng.
– Kẹp mở miệng (nếu cần).
– Hai mảnh nylon, khăn mặt.
Hình 12.3. Xông Faucher |
Hình 12.4. Bộ dụng cụ rửa dạ dày dùng một lần |
– Khay quả đậu.
– Thùng đựng nước rửa (thường là nước uống được hoặc nước có pha thuốc theo chỉ định của bác sĩ).
– Thùng đựng nước thải từ dạ dày ra.
– Dầu nhờn vaselin.
– Ông nghiệm nếu cần lấy dịch dạ dày để xét nghiệm.
– Phiếu xét nghiệm.
– Áo choàng nylon, găng tay.
– Máy hút (nếu có).
2.3.I.2. Chuẩn bị bệnh nhân
– Động viên, giải thích cho bệnh nhân mọi việc sắp làm để bệnh nhân yên tâm và hợp tác. Nếu bệnh nhân hôn mê giải thích cho người nhà bệnh nhân.
– Tháo răng giả (nếu có).
– Để bệnh nhân ở phòng kín đáo, tránh gió lùa.
2.3.2. Tiến hành
– Đem dụng cụ đến giường bệnh nhân.
– Đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, mặt nghiêng về một bên.
– Trải một tấm nylon lên phía đầu giường và quàng một tấm quanh cổ bệnh nhân.
– Đặt thùng hứng nước bẩn.
– Người điều dưỡng mặc áo choàng nylon hoặc đi găng.
– Đặt khay quả đậu dưới cằm bệnh nhân (có thể nhờ người phụ giữ).
– Đo ống và đánh dấu (đo từ cánh mũi đến dái tai vòng xuống mũi ức, khoảng 45 – 50cm là ngang phần đáy dạ dày, hoặc đo từ cung răng cho đến rốn).
– Bảo bệnh nhân há miệng (dùng kẹp mở miệng nếu bệnh nhân không hợp tác).
– Bôi trơn đầu ống thông.
– Nhẹ nhàng đưa ống vào miệng, sát má, tránh vòm họng và lưỡi gà, động viên bệnh nhân nuốt, mặc dù rất khó chịu, trong khi đó người điều dưỡng từ từ đẩy ống vào đến khi vạch đánh dấu chạm tới cung răng thì dừng lại. Nếu bệnh nhân sặc, ho dữ dội, tái mặt tím môi thì rút ra và có thể đặt lại.
– Phương pháp để biết chắc ống đã vào đúng dạ dày chưa bằng 3 cách (xem mục đặt xông dạ dày).
– Trước khi rửa dạ dày nên hạ thấp đầu phễu dưới mức dạ dày để nước ứ đọng trong dạ dày chảy ra hoặc dùng bơm tiêm để hút.
– Đổ nước từ từ vào phễu (tùy theo tuổi người lớn 500 – 1.000ml, trẻ em 200ml) đưa phễu cao hơn bệnh nhân khoảng 15cm cho nước chảy vào dạ dày.
– Khi mức nước trong phễu gần hết thì nhanh tay lập úp phễu xuống cho nước từ trong dạ dày chảy ra (theo nguyên tắc bình thông nhau) hoặc có thể dùng máy hút để hút với áp lực 3 – 5 atmospheres.
– Chú ý: khi rửa nhiều phải hoà muối ăn theo tỷ lệ sinh lý để tránh tình trạng ngộ độc nước.
– Rửa cho đến khi nước trong dạ dày chảy ra sạch thì thôi.
– Gập đầu ống lại và rút ra từ từ, khi còn 10cm dùng kẹp kocher kẹp chặt và rút ống.
– Cho bệnh nhân súc miệng.
– Lau mặt, miệng cho bệnh nhân.
– Cho bệnh nhân nằm lại thoải mái và quan sát tình trạng chung của bệnh nhân trước khi kết thúc rửa dạ dày.
2.3.3. Dọn dẹp và bảo quản dụng cụ
– Rửa sạch tất cả dụng cụ và lau khô.
– Chuẩn bị những dụng cụ cần tiệt khuẩn.
– Trả những dụng cụ khác về chỗ cũ.
2.3.4. Ghi vào hồ sơ
– Ngày, giờ và thời gian rửa dạ dày.
– Dung dịch, thuốc, số lượng nước rửa.
– Tính chất nước chảy ra.
– Phản ứng của bệnh nhân nếu có.
– Tên người rửa.
2.3.5. Những điểm cần chú ý
– Đưa ống thông vào đúng dạ dày.
– Trong lúc rửa phải luôn luôn quan sát tình trạng bệnh nhân.
– Phải ngừng rửa ngay khi bệnh nhân kêu đau bụng, hay có máu chảy ra theo nước rửa, đồng thời phải báo ngay với bác sĩ để xử trí kịp thời.
2.4. Tai biến và cách đề phòng
2.4.1. Viêm phổi do sặc dịch rửa
Khi rửa dạ dày cần để bệnh nhân đúng tư thế, rửa theo đúng quy trình kỹ thuật, nếu bệnh nhân hôn mê hay rối loạn ý thức phải đặt nội khí quản bơm bóng chèn khí quản trước khi rửa.
2.4.2. Rối loạn nước điện giải
Do nồng độ dung dịch rửa pha không đúng lượng muối quy định, cần thực hiện đúng.
2.4.3. Nhịp chậm, ngất do kích thích dây X
Chuẩn bị hộp đựng dụng cụ và thuốc chống choáng… để cấp cứu kịp thời.
2.4.4. Hạ thân nhiệt do trời lạnh
Nếu trời lạnh phải pha nước ấm, sưởi ấm cho bệnh nhân.
2.4.5. Tổn thương thực quản – dạ dày
Do kỹ thuật thô bạo, ống thông cứng, sắc cạnh, hoặc rửa trong những trường hợp uống axit hoặc kiềm.
EBOOK – SÁCH ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
HỒ SƠ BỆNH NHÂN VÀ CÁCH GHI CHÉP
KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
CHUẨN BỊ GIƯỜNG BỆNH
CHO BỆNH NHÂN DÙNG THUỐC
PHƯƠNG PHÁP VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN HỆ TIẾT NIỆU
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN Ở HỆ TIÊU HOÁ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN KHI ĐAU
CHĂM SÓC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
CÁC TƯ THẾ NGHỈ NGƠI TRỊ LIỆU
CHĂM SÓC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CƠ THỂ
ĐO DẤU HIỆU SỐNG
KỸ THUẬT TIÊM THUỐC
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
THÔNG TIỂU
THỤT THÁO
PHƯƠNG PHÁP CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN
RỬA TAY NGOẠI KHOA (SCRUBBING)
MẶC ÁO VÀ MANG GĂNG TAY VÔ TRÙNG (GOWNING AND CLOSED GLOVING)
KỸ THUẬT BĂNG BÓ
RỬA TAY THƯỜNG QUY
THAY BĂNG, RỬA VẾT THƯƠNG ỐNG DẪN LƯU
CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
ĐẶT XÔNG DẠ DÀY – RỬA DẠ DÀY
LIỆU PHÁP ÔXY
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC CHỌC DÒ TUỶ SỐNG, MÀNG BỤNG, MÀNG PHỔI VÀ MÀNG TIM
ĐO LƯỢNG DỊCH VÀO – RA
DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐIỆN GIẬT
SƠ CỨU BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN DO NƯỚC
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN DO NHIỆT
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC ĐẶT CATHETER VÀ ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN
SƠ CỨU GÃY XƯƠNG