GÃY XƯƠNG VAI VÀ XƯƠNG CÁNH TAY
ThS BS Nguyễn Văn Phước – BS Bùi Quang Anh Phương
1. GÃY XƯƠNG VAI
1.1. Điều trị bảo tồn:
– Gãy xương vai không di lệch hay di lệch không đáng kể: cho bệnh nhân mang đai Desault giữ cố định 10 – 15 ngày, sau đó cho tập phục hồi chức năng khớp vai. Dùng thuốc giảm đau/kháng viêm. Liền xương sau 4 tuần.
– Gãy cổ xương vai có di lệch: nắn chỉnh ổ gãy, bó bột ngực – cánh tay dạng 60 – 80 độ, đưa ra sau 40 độ. Giữ bột trong 4 tuần, sau đó bỏ bột và cho bệnh nhân tập phuc hồi chức năng khớp vai. Dùng thuốc giảm đau/kháng viêm.
1.2. Điều trị phẫu thuật:
– Các trường hợp gãy cổ xương vai hay gãy ổ chảo xương vai mà nắn chỉnh không đạt → phẫu thuật kết hợp xương bằng vis/nẹp vis.
– Cho bệnh nhân tập vận động phục hồi chức năng khớp vai sớm với mức độ tăng dần từ nhẹ đến nặng.
– Dùng thuốc kháng sinh uống 1 tuần, giảm đau/kháng viêm.
2. GÃY XƯƠNG CÁNH TAY
2.1. Gãy cổ phẫu thuật:
– Gãy ngang ít di lệch ở người già: không nắn, không bất động xương gãy mà cho cử động ngay (cho mang đai Desault 2 tuần, sau đó cho cúi người ra trước, tập xoay vai sớm mức độ tăng dần, sau 1 tháng có thể dơ cao tay).
– Gãy chéo: loại này không vững, bó bột trong 4 – 6 tuần
+ Gãy khép: bất động bằng bột ngực vai cánh tay, tay dạng.
+ Gãy dạng: bất động bằng bột Desault với vai khép.
2.2. Gãy thân xương:
– Gãy 1/3 trên, 1/3 giữa xương cánh tay: gãy kín ít di lệch, bó bột ngực vai cánh tay, giữ bột 6 – 8 tuần.
– Gãy 1/3 dưới: bó bột chữ U, giữ bột 4 – 6 tuần.
2.3. Điều trị phẫu thuật:
– Gãy di lệch nhiều nắn chỉnh không đạt.
– Gãy hở.
– Gãy trật khớp vai.
2.4. Vật lý trị liệu gãy xương cánh tay:
a. Giai Đoạn Bất Động: (bó bột).
• Mục đích:
– cải thiện tuần hoàn
– chống teo cơ cứng khớp
• Phương Pháp:
– Cử động chủ động ngón tay, cổ tay.
– Gồng cơ vùng cánh tay.
b. Giai Đoạn sau bất động: ( tháo bột)
• Mục đích:
– Giảm đau, giảm co thắt cơ: cơ vùng đai vai, cơ 2 đầu, cơ 3 đầu cánh tay.
– Gia tăng lực cơ, gia tăng tầm vận động khớp vai, khuỷu.
– Phục hồi chức năng sinh hoạt
• Phương pháp:
– Nhiệt: chườm ấm vào vùng vai, cánh tay.
– Xoa bóp: cơ vùng đai vai, cánh tay.
– Vận động :
+ Tập trợ giúp hoặc tự do các cơ vùng vai, khuỷu( tuỳ theo lực của bệnh nhân).
+ Dùng dây treo, ròng rọc, khăn, gậy để gia tăng tầm vận động khớp.
c. Trường hợp phẫu thuật.
• Mục đích:
– Cải thiện tuần hoàn
– Duy trì tầm vận động khớp
– Duy trì lực cơ ở các khớp: cổ tay, bàn tay, ngón tay
– Gia tăng tầm vận động khớp giới hạn
• Phương pháp:
– Tư thế: nâng cao tay, tập chủ động cổ tay, bàn tay, ngón tay
– Gồng cơ vùng vai
– sau 2 tuần gia tăng tầm vận động của khớp vai, khuỷu.
– Sau một tháng có thể đề kháng nhẹ khớp vai, khuỷu.