KHÓ THỞ THANH QUẢN
Khó thở thanh quản là khó thở xảy ra ở thì hít vào, do hậu quả của hiện tượng chít hẹp lòng thanh quản (do viêm, sẹo, u, dị vật, liệt cơ mở, co cơ khép…) kèm theo tiếng rít ở vùng thanh quản, co lõm ở vùng hõm ức, thượng đòn do sự gắng sức của các cơ hô hấp phụ. Tùy mức độ nặng khác nhau nhưng khó thở có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nếu không can thiệp kịp thời.
TRIỆU CHỨNG KHÓ THỞ THANH QUẢN
1. Chính:
– Khó thở chậm thì hít vào.
– Hít vào có tiếng rít.
– Co lõm và co kéo hõm ức, cơ liên sườn và thượng vị.
2. Phụ:
– Mặt hốt hoảng, cào cổ, giẫy giụa.
– Da mặt đỏ bầm, kết mạc mắt đỏ, tĩnh mạch cổ phồng.
– Khi hít vào bệnh nhân ngửa đầu ra sau, mép môi bị kéo xệch ra hai bên.
PHÂN ĐỘ KHÓ THỞ THANH QUẢN
1. Độ I:
Bệnh nhân chỉ có các triệu chứng trên khi gắng sức (lên cầu thang, đi lại nhiều, trẻ con khóc, giẫy giụa). Khi nằm nghỉ không có.
2. Độ II:
Có những triệu chứng trên liên tục ngay cả khi nằm nghỉ.
3. Độ III:
Giảm co kéo cơ hô hấp phụ, mất tiếng rít thanh quản, thở nhanh nông, mệt lả người, mắt lờ đờ, da tím lại.
CÁC THỂ BỆNH THƯỜNG GẶP
1. Viêm thanh quản cấp:
Ngoài triệu chứng khó thở, còn:
– Sốt
– Khàn tiếng
– Ho ông ổng
– Soi thanh quản: 2 dây thanh, băng thanh thất phù nề đỏ.
2. Viêm thanh thiệt cấp:
Khó thở kèm với:
– Nuốt đau
– Giọng ngậm hạt thị
– Sốt cao
– Soi hạ họng thanh quản gián tiếp: thanh thiệt phù mọng.
3. U nhú thanh quản:
– Thường gặp ở trẻ em.
– Khó thở và khàn tiếng ngày một tăng dần.
– Chỉ sốt khi có bội nhiễm kèm theo.
– Soi thanh quản: phần tiền đình thanh quản có nhiều u nhú che kín phần tiền đình thanh quản.
4. Ung thư thanh quản:
– Thường xảy ra ở người lớn tuổi.
– Có hạch cổ.
– Giọng cứng như gỗ.
– Khó thở xuất hiện từ từ.
– Khàn tiếng ngày một tăng (giọng cứng như gỗ), không giảm khi điều trị.
– Soi thanh quản thấy nụ sùi xuất phát từ 2 dây thanh, các sụn làm biến dạng hình thanh quản và hạn chế hoặc mất di động 2 dây thanh.
5. Chấn thương thanh quản:
– Khàn tiếng.
– Khạc ra máu.
– Tràn khí vùng cổ.
– Nuốt đau.
– Nếu chấn thương hở sẽ có tiếng phì phò vết thương.
– Soi thanh quản: thấy biến dạng hình thanh quản.
ĐIỀU TRỊ KHÓ THỞ THANH QUẢN
1. Độ I:
Cho vào phòng theo dõi, chăm sóc cấp II và tìm nguyên nhân xử lí thích hợp. Trong viêm thanh quản cấp, viêm thanh thiệt cấp cho kháng sinh liều cao, corticoides nếu cần, thở ôxy.
2. Độ II:
– Thở ôxy qua mặt nạ. Nếu cải thiện tốt, tiếp tục theo dõi tại bệnh phòng điều trị (chăm sóc cấp II) và tìm nguyên nhân xử lý thích hợp.
– Corticoides:
Methyl prednisolone 150mg tiêm TM , có thể dùng lại sau 30 phút nếu chưa đáp ứng hoặc Depersolone 30 mg 1 ống tiêm TM.
– Nếu các biện pháp trên không cải thiện thì đặt nội khí quản trước sau đó mở khí quản nếu cần.
– Trong các bệnh lý thanh quản, có chỉ định mở khí quản cấp cứu khi bệnh nhân có khó thở thanh quản cuối độ II.
– Kháng sinh: căn cứ vào tình trạng lâm sàng hiện tại để cho kháng sinh thích hợp.
3. Độ III:
– Hồi sức tích cực đồng thời đặt nội khí quản và sau khi mở khí quản.
– Tìm nguyên nhân xử trí thích hợp.
TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG KHÓ THỞ THANH QUẢN
Tùy theo nguyên nhân :
– Do viêm nhiễm: nếu đáp ứng tốt với thuốc, các triệu chứng viêm, phù nề thoái lui nhanh, có thể đặt ống nội khí quản hoặc canule sớm trước 7 ngày.
– Do dị vật: nếu loại được dị vật ra khỏi đường thở sớm, an toàn, tiên lượng tốt.
– Do sẹo hẹp: phụ thuộc vào mức độ tổn thương của sẹo, cơ địa bệnh nhân đáp ứng với phẫu thuật. Nhìn chung bệnh hay tái phát cần phẫu thuật chỉnh hình nhiều lần.
– Do các nguyên nhân khác tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể.
Tóm lại với bệnh nhân khó thở thanh quản được phát hiện và xử trí sớm cho kết quả tốt, các trường hợp nặng nếu không can thiệp kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp cấp hay di chứng do thiếu ôxy não.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phác đồ điều trị nội trú bệnh tai mũi họng năm 2013 trang 11, bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nhan Trường Sơn, “Định bệnh khó thở thanh quản” trang 297, đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thành phố Hồ Chí Minh.