NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
1. KHÁI NIỆM VỀ NHU CẦU
Nhu cầu là những đòi hỏi của con người về điều kiện vật chất, tinh thần để sống, tồn tại và phát triển. Trong cuộc sống hằng ngày của con người, nhu cầu, xu hướng biểu hiện ra bên ngoài thể hiện, những hứng thú, niềm tin, thế giới quan,… Vai trò của nhu cầu là biểu hiện đầu tiên tính tích cực của họ, chính nhu cầu kích thích họ hoạt động. Không có nhu cầu, không có hoạt động. Toàn bộ cuộc sống, tâm lý của con người đặc biệt về mặt đạo đức chịu ảnh hưởng rất lớn của nhu cầu. Người ta thường chia ra các nhu cầu sau:
1.1. Nhu cầu của động vật
– Chỉ là những nhu cầu phục vụ cho đời sống sinh vật để tồn tại, duy trì nòi giống.
– Con vật chỉ thoả mãn các nhu cầu từ trong thiên nhiên (ăn sẵn) chứ không tự tạo ra nhu cầu và các công cụ để thoả mãn và thực hiện các nhu cầu của nó.
1.2. Nhu cầu của con người
– Khác xa với nhu cầu của động vật. Nhu cầu của con người phong phú, đa dạng, phức tạp hơn nhiều:
+ Thoả mãn nhu cầu này lại đòi hỏi nhu cầu khác.
+ Càng biết càng muốn biết nhiều hơn.
– Phương tiện để thoả mãn nhu cầu cũng đa dạng hơn.
– Nhu cầu được cá nhân nhận thức ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn về ý nghĩa của nó đối với sự tồn tại và phát triển của mình. Lúc đó, nhu cầu trở thành động lực thúc đẩy cá nhân hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu. Vì vậy, trong sự gắn bó với thế giới xung quanh, con người không phụ thuộc vào thế giới một cách thụ động như con vật mà trái lại, trong mối quan hệ này con người xuất hiện như một hành động tích cực, sáng tạo. Do đó con người tạo ra nhu cầu và các phương tiện để thoả mãn nhu cầu.
1.3. Nhu cầu vật chất
Nhu cầu vật chất có liên quan trực tiếp đến sự tồn tại của cá thể con người, có cội nguồn sâu xa từ bên trong cơ thể (ăn, ở, mặc,…).
1.4. Nhu cầu tinh thần
Có liên quan trực tiếp với những đòi hỏi về cái đẹp, nó có cuội nguồn sâu xa từ trong nền văn minh làm nên lực lượng bản chất con người. Chẳng hạn về nghệ thuật (văn học, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc,…); về khoa học,… Sẽ là sai lầm nếu nói tách bạch một cách máy móc và tuyệt đối giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Dù là nhu cầu vật chất hay nhu cầu tinh thần đều là nhu cầu mang bản chất con người, được quy định bởi những điều kiện xã hội – lịch sử.
2. MỘT SỐ NHU CẦU VỀ CON NGƯỜI
2.1. Nhu cầu về sinh lý
Là những nhu cầu sống còn như: oxy, nước uống, thức ăn, chất thải cặn bã, hoạt động, nghỉ, tình dục,…
2.2. Nhu cầu về sự an toàn
Sự ổn định về kinh tế, việc làm, sự ổn định về tâm thần, an toàn cá nhân,…
2.3. Nhu cầu về tình cảm và sự tự trọng
Thể hiện trong sự cư xử để gây thiện cảm, cảm tình của người khác. Nhu cầu được người khác kính nể và tôn trọng mình.
2.4. Nhu cầu về tự giải quyết hay tự thể hiện (lãnh đạo)
Cá nhân muốn được hoạt động độc lập, sáng tạo, muốn làm chủ trong công việc của mình vì cuộc sống hằng ngày.
2.5. Nhu cầu được đánh giá
Cá nhân nào cũng có nhu cầu được đánh giá. Sự khen chê đúng mức, chân thực, chính xác khiến cá nhân hoạt động tích cực hơn và ngược lại.
Bảng phân loại nhu cầu của Maslow: đối tượng của điều dưỡng là con người bao gồm người khỏe và người có bệnh tật. Con người được tạo ra bởi các yếu tố thể chất, tinh thần và xã hội. Các nhu cầu cần thiết để duy trì các yếu tố tạo ra con người gọi là nhu cầu cơ bản, hay còn gọi là các nhu cầu để tồn tại và phát triển của con người.
Người ta cho rằng: mỗi một cá thể ở một phương diện nào đó giống tất cả mọi người, ở một phương diện khác chỉ giống một số người và có những phương diện không giống ai cả. Như vậy, con người vừa có tinh thần đồng nhất vừa có tính duy nhất nên việc chăm sóc phải xuất phát từ nhu cầu và sở thích của từng cá nhân sao cho phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên, khi một nhu cầu thiết yếu được thoả mãn, con người chuyển sang một nhu cầu khác cao hơn. Bảng phân loại của “Maslow” phản ánh được thứ bậc của các nhu cầu và có thể được sắp xếp như sau:
– Những nhu cầu về thể chất, sinh lý.
– Những nhu cầu về an toàn, an ninh.
– Những nhu cầu thuộc về quyền sở hữu và tình cảm.
– Những nhu cầu về sự kính mến và lòng tự trọng.
– Những nhu cầu về sự tự hoạt động bao gồm sự tự hoàn thiện, lòng ao ước muốn hiểu biết cùng với những nhu cầu về thẩm mỹ.
Những nhu cầu ở mức độ thấp luôn tồn tại, cho đến khi những nhu cầu được thoả mãn con người có khả năng chuyển sang những nhu cầu khác ở mức độ cao hơn. Hệ thống thứ bậc của các nhu cầu rất hữu ích để làm nền tảng trong việc nhận định về sức chịu đựng của người bệnh, những giới hạn và nhu cầu đòi hỏi sự can thiệp về điều dưỡng.
3. NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI
3.1. Nhu cầu về thể chất và sinh lý
Nhu cầu về thể chất và sinh lý là nền tảng của hệ thống phân cấp nhu cầu và được ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu về thể chất và sinh lý bao gồm: oxy, thức ăn, nước uống, bài tiết, vận động, ngủ, nghỉ ngơi,… Các nhu cầu này cần được đáp ứng tối thiểu để duy trì sự sống. Đáp ứng nhu cầu thể chất là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc cho trẻ em, người già, người có khuyết tật và người ốm. Bởi vì những nhóm người này cần sự hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu cho chính họ.
3.2. Nhu cầu an toàn và được bảo vệ
Nhu cầu an toàn và được bảo vệ được sắp xếp ưu tiên sau nhu cầu thể chất, bao hàm cả an toàn về tính mạng và an toàn về tinh thần. An toàn về tính mạng nghĩa là bảo vệ cho người ta tránh được các nguy cơ đe doạ cuộc sống và an toàn về tinh thần là tránh được mọi sự sợ hãi và lo lắng. Người bệnh khi vào bệnh viện có sự đòi hỏi rất cao về nhu cầu an toàn và bảo vệ vì cuộc sống, tính mạng của họ phụ thuộc vào cán bộ y tế.
Để giúp bảo vệ người bệnh khỏi bị nguy hiểm, người điều dưỡng phải biết rõ tính chất, đặc điểm của bệnh nhân và nhận biết rõ bất kỳ những tai biến nào có thể xảy đến cho bệnh nhân, và nếu có biến chứng xảy ra, người điều dưỡng có thể xử trí một cách đúng đắn.
3.3. Nhu cầu tình cảm và quan hệ
Mọi người đều có nhu cầu tình cảm quan hệ bạn bè, hàng xóm, gia đình và xã hội. Các nhu cầu này được xếp vào nhu cầu ở mức cao. Nó bao hàm sự trao – nhận tình cảm. Người không được đáp ứng về tình cảm, không có mối quan hệ bạn bè, xã hội có cảm giác buồn tẻ và cô lập. Người điều
dưỡng cần xem xét nhu cầu này của bệnh nhân khi lập kế hoạch chăm sóc.
3.4. Nhu cầu được tôn trọng
Sự tôn trọng tạo cho con người lòng tự tin và tính độc lập. Khi sự tôn trọng không được đáp ứng, người ta tin rằng họ không được người khác chấp nhận nên sinh ra cảm giác cô độc và tự ty. Điều dưỡng đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người bệnh bằng thái độ thân mật, niềm nở và chú ý lắng nghe ý kiến của người bệnh.
3.5. Nhu cầu tự hoàn thiện
Nhu cầu tự hoàn thiện là mức cao nhất trong hệ thống phân loại nhu cầu của Maslow và Maslow đánh giá rằng chỉ 1% dân số trưởng thành đã từng đạt đến mức độ tự hoàn thiện. Nhu cầu tự hoàn thiện diễn ra trong suốt cuộc đời, nó chỉ xuất hiện khi các nhu cầu dưới nó được đáp ứng trong chừng mực nhất định. Các nhu cầu cơ bản càng được đáp ứng thì càng tạo ra động lực sáng tạo và tự hoàn thiện ở mỗi cá thể. Người điều dưỡng cần biết đánh giá đúng những nhu cầu, kinh nghiệm, kiến thức và thẩm mỹ của người bệnh để từ đó có sự quan tâm và lập kế hoạch chăm sóc thích hợp.
4. SỰ LIÊN QUAN GIỮA NHU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC ĐIỀU DƯỠNG
4.1. Nguyên tắc điều dưỡng
Người khỏe mạnh tự đáp ứng được các nhu cầu của họ. Khi bị bệnh tật, ốm yếu người bệnh không tự đáp ứng được nhu cầu hằng ngày cho chính mình nên cần sự hỗ trợ của người điều dưỡng. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân dẫn đến sự ra đời của ngành Y tế và cán bộ y tế.
4.2. Nhu cầu của con người vừa có tính đồng nhất vừa có tính duy nhất
Nhu cầu của con người vừa có tính đồng nhất vừa có tính duy nhất nên điều dưỡng cần có kế hoạch chăm sóc riêng biệt cho từng bệnh nhân. Nhu cầu con người tuy cơ bản giống nhau nhưng mức độ và tầm quan trọng đối với từng nhu cầu ở từng người có khác nhau. Hơn nữa, trong cùng một con người nhu cầu này có thể mạnh hơn nhu cầu khác và thay đổi mức ưu tiên theo từng giai đoạn của cuộc sống, người điều dưỡng cần nhận biết được các nhu cầu ưu tiên của người bệnh để lập kế hoạch chăm sóc thích hợp.
4.3. Nhu cầu giống nhau nhưng cách đáp ứng có thể khác nhau
Nhu cầu giống nhau nhưng cách đáp ứng có thể khác nhau để thích hợp với từng cá thể. Việc chăm sóc người bệnh cần hướng tới từng cá thể, tuỳ từng trường hợp, từng hoàn cảnh sao cho phù hợp.
4.4. Sự tham gia của người bệnh vào quá trình chăm sóc
Chăm sóc xuất phát từ nhu cầu của người bệnh, thông thường người bệnh hiểu rõ nhu cầu của họ, trừ trường hợp bệnh nhân hôn mê, tâm thần…, nên khi lập kế hoạch chăm sóc điều dưỡng cần tham khảo ý kiến bệnh nhân và gia đình bệnh nhân để tạo cho họ tham gia tích cực vào quá trình điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe của chính họ.
4.5. Điều dưỡng cần tạo ra môi trường chăm sóc
Điều dưỡng cần tạo ra môi trường chăm sóc thích hợp để người bệnh được thoải mái, mau chóng lành bệnh, hoặc nếu chết thì chết được thanh thản nhẹ nhàng.
5. NHU CẦU CƠ BẢN CỦA NGƯỜI BỆNH VÀ CHĂM SÓC
Do bệnh tật mà một loạt các nhu cầu của người bệnh không được thoả mãn, người điều dưỡng, người thầy thuốc phải đón trước và đáp ứng các nhu cầu ấy của người bệnh, nghĩa là cần sự giúp đỡ, chăm sóc họ, hoặc cung cấp các điều kiện, để người bệnh thoả mãn các nhu cầu cơ bản của mình. Theo Virgiria Henderson, chuyên gia điều dưỡng người Mỹ, các nhu cầu cơ bản của người bệnh là:
– Đáp ứng các nhu cầu về hô hấp và tim mạch:
+ Cho bệnh nhân nằm ở những tư thế thích hợp (tư thế đầu cao), ở phòng thông thoáng để đảm bảo hô hấp tốt.
+ Hút các dịch, đờm dãi cho bệnh nhân để bệnh nhân dễ thở.
+ Trấn an tinh thần cho bệnh nhân.
– Giúp đỡ bệnh nhân về ăn, uống và dinh dưỡng:
+ Khuyến khích bệnh nhân ăn những thức ăn phù hợp với tình trạng bệnh tật và uống đầy đủ lượng nước theo y lệnh.
+ Giáo dục cho bệnh nhân biết được tầm quan trọng việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và thành phần của một số loại thức ăn giàu dinh dưỡng.
– Giúp bệnh nhân trong sự bài tiết: thải trừ qua mọi đường bài tiết.
– Giúp đỡ bệnh nhân về tư thế, vận động và tập luyện: hoạt động và duy trì tư thế đứng, nằm, ngồi, đi lại, di chuyển tư thế,…
+ Nếu bệnh nhân có thể đi lại được, khuyến khích bệnh nhân nên vận động.
+ Nếu bệnh nhân không đi lại được, người điều dưỡng trực tiếp giúp bệnh nhân vận động, tập luyện hoặc yêu cầu người nhà giúp.
– Đáp ứng nhu cầu ngủ và nghỉ ngơi:
+ Không nên thực hiện các can thiệp điều dưỡng khi bệnh nhân đang ngủ nếu không cần thiết.
+ Tránh tiếng ồn không cần thiết của môi trường, như tiếng nói chuyện quá lớn của các nhân viên y tế, tiếng ồn của người nhà bệnh nhân.
+ Tạo môi trường thích hợp cho từng loại bệnh nhân.
+ Chỉ cho phép người nhà bệnh nhân thăm viếng trong những thời gian nhất định để bệnh nhân có đủ thời gian nghỉ ngơi.
– Giúp bệnh nhân mặc và thay áo quần: một số bệnh nhân không thể tự mặc hay thay quần áo được thì người điều dưỡng giúp bệnh nhân, hoặc thảo luận và yêu cầu người nhà giúp đỡ.
– Giúp bệnh nhân duy trì thân nhiệt cơ thể:
+ Đắp chăn, ủ ấm cho bệnh nhân.
+ Cho bệnh nhân nằm ở phòng kín, tránh gió lùa.
+ Làm ấm các dụng cụ, xoa tay trước khi thăm khám,…
– Giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân hằng ngày, giữ cơ thể sạch sẽ.
Yêu cầu người nhà vệ sinh thân thể hằng ngày cho bệnh nhân, bên cạnh đó, người điều dưỡng cũng phải đảm bảo thay ga trải giường thường xuyên, tạo một môi trường thoải mái cho bệnh nhân.
– Giúp bệnh nhân tránh được các nguy hiểm trong khi nằm viện và tránh tổn thương cho người khác.
+ Đối với những bệnh nhân hôn mê, những bệnh nhân nhỏ thì yêu cầu giường phải có thanh chắn.
+ Những bệnh nhân tâm thần trong giai đoạn kích thích phải ở trong phòng không có những vật dụng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân và cách ly với những bệnh nhân khác.
+ Những bệnh nhân mắc các bệnh lây thì phải được cách ly với những bệnh nhân khác,…
– Giúp bệnh nhân trong sự giao tiếp:
+ Một số tình trạng bệnh làm bệnh nhân không thể giao tiếp tốt như trước kia nên người điều dưỡng phải cố gắng tỏ ra lắng nghe và khuyến khích bệnh nhân giao tiếp.
+ Tập nói cho các bệnh nhân có rối loạn về phát âm.
– Giúp bệnh nhân thoải mái về tinh thần, tự do tín ngưỡng: trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, người điều dưỡng không được áp đặt các tín ngưỡng, tôn giáo của mình cho bệnh nhân và phải hết sức tôn trọng tự do tín ngưỡng của bệnh nhân.
– Giúp bệnh nhân lao động, làm một việc để tránh mặc cảm là người vô dụng. Người bệnh sẽ cảm thấy mình là người vô dụng vì không thể làm được các công việc như trước kia, một số bệnh nhân thậm chí không thể làm các công việc vệ sinh cá nhân, họ sẽ rất chán nản. Vì vậy, người điều dưỡng phải giúp bệnh nhân tập luyện để bệnh nhân có thể tự phục vụ bản thân và thảo luận với người nhà để có các biện pháp hỗ trợ.
– Giúp bệnh nhân trong các hoạt động vui chơi, giải trí: liệu pháp tâm lý đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị nên người điều dưỡng khuyến khích và tạo điều kiện cho bệnh nhân tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí như nghe nhạc, xem ti vi, đi dạo,…
– Giúp bệnh nhân có kiến thức về y học: người điều dưỡng phải giáo dục cho bệnh nhân hiểu về tình trạng bệnh của mình cũng như những kiến thức liên quan đến bệnh tật để bệnh nhân có thể phát hiện sớm bệnh tật và hợp tác tốt trong việc điều trị.
Nhu cầu cơ bản của bệnh nhân và các nguyên tắc cơ bản của việc chăm sóc là cơ bản giống nhau, nhưng không bao giờ có hai bệnh nhân có nhu cầu hoàn toàn giống nhau cả. Do đó, kế hoạch chăm sóc được xây dựng riêng biệt tuỳ theo tuổi tác, giới tính, cá tính, hoàn cảnh văn hoá xã hội và khả năng thể chất và tinh thần của người bệnh. Kế hoạch này còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải.
EBOOK – SÁCH ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
HỒ SƠ BỆNH NHÂN VÀ CÁCH GHI CHÉP
KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
CHUẨN BỊ GIƯỜNG BỆNH
CHO BỆNH NHÂN DÙNG THUỐC
PHƯƠNG PHÁP VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN HỆ TIẾT NIỆU
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN Ở HỆ TIÊU HOÁ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN KHI ĐAU
CHĂM SÓC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
CÁC TƯ THẾ NGHỈ NGƠI TRỊ LIỆU
CHĂM SÓC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CƠ THỂ
ĐO DẤU HIỆU SỐNG
KỸ THUẬT TIÊM THUỐC
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
THÔNG TIỂU
THỤT THÁO
PHƯƠNG PHÁP CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN
RỬA TAY NGOẠI KHOA (SCRUBBING)
MẶC ÁO VÀ MANG GĂNG TAY VÔ TRÙNG (GOWNING AND CLOSED GLOVING)
KỸ THUẬT BĂNG BÓ
RỬA TAY THƯỜNG QUY
THAY BĂNG, RỬA VẾT THƯƠNG ỐNG DẪN LƯU
CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
ĐẶT XÔNG DẠ DÀY – RỬA DẠ DÀY
LIỆU PHÁP ÔXY
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC CHỌC DÒ TUỶ SỐNG, MÀNG BỤNG, MÀNG PHỔI VÀ MÀNG TIM
ĐO LƯỢNG DỊCH VÀO – RA
DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐIỆN GIẬT
SƠ CỨU BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN DO NƯỚC
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN DO NHIỆT
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC ĐẶT CATHETER VÀ ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN
SƠ CỨU GÃY XƯƠNG