THÔNG TIỂU
1. MỤC ĐÍCH
Thông tiểu là dùng ống xông đưa qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài. Nhằm mục đích:
– Làm giảm sự khó chịu và căng quá mức do ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.
– Đo lường khối lượng và tính chất của nước tiểu ở trong bàng quang.
– Lấy mẫu nước tiểu vô trùng để xét nghiệm.
– Làm sạch bàng quang trong những trường hợp cần thiết như phẫu thuật vùng hậu môn, sinh dục, phẫu thuật hoặc soi bàng quang, đường tiết niệu.
– Dẫn lưu để theo dõi lượng nước tiểu ở người bệnh shock, ngộ độc, bỏng nặng…
2. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
2.1. Chỉ định
Trong những trường hợp:
– Người bệnh bí tiểu đã áp dụng các biện pháp kích thích tiểu tiện không hiệu quả.
– Trước khi mổ (mổ u xơ tiền liệt tuyến, mổ sỏi hệ tiết niệu, mổ đẻ…).
– Lấy mẫu nước tiểu vô khuẩn làm xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lý của bàng quang và hệ tiết niệu.
– Bơm thuốc vào điều trị các bệnh lý bàng quang, hệ tiết niệu, hoặc để chụp bàng quang ngược dòng…
2.2. Chống chỉ định
Trong những trường hợp:
– Giập rách niệu đạo.
– Chấn thương tiền liệt tuyến.
– Nhiễm khuẩn niệu đạo…
3. KỸ THUẬT THÔNG TIỂU
3.1. Chuẩn bị bệnh nhân
– Giải thích cho bệnh nhân lý do đặt xông tiểu.
– Báo cho bệnh nhân biết rằng sẽ có cảm giác khó chịu trong suốt quá trình đặt xông tiểu, tuy nhiên suốt quá trình này không gây đau.
– Báo cho bệnh nhân biết rằng họ sẽ cảm thấy muốn đi tiểu trong suốt quá trình đặt xông tiểu và sau đó một thời gian ngắn.
– Hướng dẫn bệnh nhân cách tham gia vào quá trình đặt xông và chăm sóc.
3.2. Chuẩn bị dụng cụ
3.2.1. Hộp dụng cụ thông tiểu đã tiệt khuẩn gồm có
– 1 săng lỗ.
– Gạc, bông.
– 1 kelly.
– 1 kẹp phẫu tích.
– Xông foley (hình 5.1) hoặc xông nelaton (hình 5.2) (với loại hoặc cỡ thích hợp tuỳ thuộc vào mục đích và người bệnh).
– 2 cốc nhỏ đựng dung dịch sát khuẩn.
– 3 ống nghiệm.
– 1 khay quả đậu.
Hình 5.1. Xông foley |
Hình 5.2. Xông nelaton |
3.2.2. Dụng cụ hỗ trợ
– 1 khay chữ nhật sạch.
– Dung dịch sát khuẩn: betadin hoặc povidin.
– Nước muối sinh lý.
– 2 đôi găng tay vô khuẩn.
– 1 túi dẫn lưu nước tiểu vô khuẩn.
– 1 bơm tiêm vô khuẩn.
– 1 gói dầu nhờn vaselin vô khuẩn.
– 1 ống đựng dụng cụ kim loại.
– 1 giá đựng ống nghiệm.
– 1 cuộn băng dính.
– 1 cái kéo.
– Vải che phủ bệnh nhân, tấm nylon.
– Bô đựng nước tiểu.
– Đèn chiếu, đèn cổ ngỗng.
3.3. Cách tiến hành
– Thông thường khi tiến hành thủ thuật đặt xông tiểu cần phải có hai người thực hiện.
– Thực hiện ở phòng thủ thuật thoáng mát, sạch sẽ.
– Người điều dưỡng phải đứng bên phải bệnh nhân nếu thuận tay phải và đứng bên trái nếu thuận tay trái.
– Cởi bỏ quần của bệnh nhân ra. Che phủ cho bệnh nhân bằng một tấm ga.
– Trải một tấm nylon dưới mông bệnh nhân.
– Cho bệnh nhân nằm ngửa, quấn tấm ga quanh hai chân của bệnh nhân, sau đó cho hai chân co, chống hai bàn chân lên giường, đùi hơi dạng.
– Đặt đèn cổ ngỗng hoặc dùng thêm đèn chiếu.
3.3.1. Thông tiểu nữ
– Người điều dưỡng sau khi đã rửa tay theo quy trình rửa tay ngoại khoa, lau khô rồi đi găng.
– Mở bộ dụng cụ vô khuẩn (do người thứ hai mở).
– Dùng kelly (hoặc forceps) gắp gạc hoặc bông thấm nước muối sinh lý rửa sạch âm hộ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Mỗi lần rửa xong một bộ phận phải thay gạc rồi mới rửa bộ phận khác. Rửa xong thấm khô và sát khuẩn lại bằng betadin hoặc povidin.
– Thay găng.
– Trải săng có lỗ để che kín hai bên đùi bộc lộ bộ phận sinh dục.
– Đặt một khay quả đậu trên săng vào giữa hai đùi của bệnh nhân để hứng nước tiểu.
– Bôi dầu nhờn vào đầu ống xông.
– Xác định lỗ niệu đạo.
– Dùng ngón trỏ và ngón cái của tay kia vạch môi lớn và môi nhỏ ra để lộ vùng lỗ niệu đạo. Giữ tay này ở vị trí đó trong suốt quá trình tiến hành thông tiểu.
– Một tay cầm xông tiểu nhẹ nhàng đưa ống xông từ từ vào lỗ niệu đạo, đưa vào sâu khoảng 4 -5cm sẽ có nước tiểu chảy ra. Điều này chứng tỏ rằng ống xông đã được đưa vào đến bàng quang.
– Nếu khi đưa ống xông vào mà bệnh nhân có sự đề kháng thì yêu cầu bệnh nhân thở sâu và nhẹ nhàng đưa ống xông vào. Nếu sự đề kháng của bệnh nhân vẫn còn thì không đưa ống xông vào nữa.
Hình 5.3. Lưu xông tiểu bằng ống foley |
– Khi đưa ống xông vào sâu hơn 4 – 5cm mà không có nước tiểu chảy ra thì có lẽ đưa nhầm ống xông vào trong âm đạo. Lúc này ta lấy ống xông ra để một nơi, dùng một ống xông khác làm sạch lại vùng bộ phận sinh dục của bệnh nhân và đặt lại ống xông đúng vào lỗ niệu đạo cho đến khi có nước tiểu chảy ra.
Lưu ý: Ở trẻ em thường đưa ống xông vào khoảng 2,5cm.
– Khi nước tiểu chảy hết bẻ gập ống, rút ra cho vào khay quả đậu.
– Sát khuẩn lại vùng sinh dục, cho bệnh nhân mặc quần và nằm lại tư thế thoải mái.
– Trong trường hợp đặt xông tiểu nhưng muốn lưu xông, người ta thường dùng loại xông foley hai ngành để đặt (hình 5.3).
3.3.2. Thông tiểu nam
– Tư thế bệnh nhân nằm giống trường hợp thông tiểu nữ.
– Người điều dưỡng sau khi đã rửa tay theo quy trình rửa tay ngoại khoa, lau khô rồi đi găng.
– Mở bộ dụng cụ vô khuẩn (người thứ hai mở).
– Dùng gạc lót quanh dương vật, cầm dương vật dựng đứng lên, tay còn lại gắp gạc thấm nước muối sinh lý rửa từ lỗ niệu đạo, bao quy đầu, dương vật, có thể rửa rộng ra ngoài. Rửa xong lau khô, sát khuẩn lại một lần nữa bằng betadin hoặc povidin.
– Thay găng.
– Trải săng có lỗ trên hai đùi bộc lộ bộ phận sinh dục.
– Đặt một khay quả đậu trên săng lỗ vào giữa hai đùi của bệnh nhân để hứng nước tiểu.
Hình 5.4. Thông tiểu nam bằng ống xông foley
– Bôi dầu nhờn vào đầu ống xông.
– Một tay cầm dương vật thẳng góc với cơ thể và kéo nhẹ lên trên.
– Yêu cầu bệnh nhân há miệng thở đều.
– Tay còn lại cầm ống xông đưa từ từ vào niệu đạo, đưa vào khoảng 10cm thì hạ dương vật xuống, tiếp tục đẩy ống xông vào cho đến khi thấy nước tiểu chảy ra.
– Khi nước tiểu chảy ra hết thì kéo ống xông ra một ít rồi bẻ gập ống lại rút ra cho vào khay quả
đậu.
3.3.3. Lưu ống xông
Trong trường hợp đặt xông tiểu nhưng muốn lưu xông, người ta thường dùng loại xông foley hai ngành để đặt.
– Cách đặt cũng giống như đặt xông nelaton.
– Khi đặt xong người ta bơm vào ngành phụ khoảng 5 – 10ml nước cất để phần bóng của xông phình to giữ cho xông khỏi bị tuột.
– Sau đó gắn xông vào dây nối với bịch nylon đựng nước tiểu.
– Tháo bỏ săng lỗ.
– Cố định xông vào mặt trước trong đùi (hình 5.4).
– Cố định ống dẫn lưu vào thành giường và treo túi hứng nước tiểu ở mức thấp hơn so với bàng quang.
– Khi cần rút xông phải hút phần nước đã bơm vào ngành phụ ra rồi rút xông như trường hợp rút xông nelaton.
3.4. Thu dọn dụng cụ
– Dụng cụ đã dùng đem đi đánh rửa sạch và gửi hấp để tiệt khuẩn. Dụng cụ khác sắp xếp vào nơi quy định.
– Ghi nhận xét vào hồ sơ bệnh án:
+ Ngày giờ thông tiểu.
+ Số lượng, màu sắc, các xét nghiệm.
+ Tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau khi xông tiểu.
+ Tên người làm thủ thuật.
EBOOK – SÁCH ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
HỒ SƠ BỆNH NHÂN VÀ CÁCH GHI CHÉP
KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
CHUẨN BỊ GIƯỜNG BỆNH
CHO BỆNH NHÂN DÙNG THUỐC
PHƯƠNG PHÁP VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN HỆ TIẾT NIỆU
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN Ở HỆ TIÊU HOÁ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN KHI ĐAU
CHĂM SÓC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
CÁC TƯ THẾ NGHỈ NGƠI TRỊ LIỆU
CHĂM SÓC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CƠ THỂ
ĐO DẤU HIỆU SỐNG
KỸ THUẬT TIÊM THUỐC
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
THÔNG TIỂU
THỤT THÁO
PHƯƠNG PHÁP CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN
RỬA TAY NGOẠI KHOA (SCRUBBING)
MẶC ÁO VÀ MANG GĂNG TAY VÔ TRÙNG (GOWNING AND CLOSED GLOVING)
KỸ THUẬT BĂNG BÓ
RỬA TAY THƯỜNG QUY
THAY BĂNG, RỬA VẾT THƯƠNG ỐNG DẪN LƯU
CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
ĐẶT XÔNG DẠ DÀY – RỬA DẠ DÀY
LIỆU PHÁP ÔXY
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC CHỌC DÒ TUỶ SỐNG, MÀNG BỤNG, MÀNG PHỔI VÀ MÀNG TIM
ĐO LƯỢNG DỊCH VÀO – RA
DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐIỆN GIẬT
SƠ CỨU BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN DO NƯỚC
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN DO NHIỆT
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC ĐẶT CATHETER VÀ ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN
SƠ CỨU GÃY XƯƠNG