VÔ KINH
BS CKII Nguyễn Hữu Thuận Khoa Phụ Sản
1. Định nghĩa
Vô kinh được chia thành hai loại: vô kinh nguyên phát là hiện tượng không ra kinh từ tuổi dậy thì 16 – 18 tuổi. Vô kinh thứ phát là tình trạng mất kinh liên tiếp từ 3 tháng trở lên ở những phụ nữ có tiền sử đã có hành kinh một thời gian.
2. Nguyên nhân
2.1. Vô kinh do có thai.
Những trường hợp vô kinh khi phụ nữ đang mang thai.
2.2. Vô kinh do nguyên nhân tuyến yên.
Bệnh suy toàn bộ tuyến yên (bệnh Simmonds), u tuyến yên, thiếu nội tiết hướng sinh dục tuyến yên đơn thuần, hội chứng Sheehan, thiểu năng tuyến yên do hoại tử tuyến yên, có thể xảy ra sau một tình trạng băng huyết sau sanh quá nặng.
2.3. Vô kinh do nguyên nhân buồng trứng.
Do cắt bỏ hai buồng trứng, buồng trứng không phát triển (hội chứng Turner), hội chứng stein – leventhal, buồng trứng tinh hoàn (tinh hoàn nữ hóa)
2.4. Vô kinh do nguyên nhân tuyến giáp trạng
Cường giáp hoặc thiểu năng tuyến giáp đều có thể gây vô kinh.
2.5. Vô kinh do nguyên nhân ở tử cung.
Tử cung dị dạng, không có tử cung, không có cổ tử cung và âm đạo. Trên thực tế thường gặp do dính buồng tử cung. Do lao nội mạc tử cung, sau lao phổi.
2.6. Vô kinh do nguyên nhân ở cổ tử cung, âm đạo.
Trong trường hợp này, nội mạc tử cung vẫn hoạt động, vẫn có thay đổi theo chu kỳ, nội mạc vẫn bong ra hàng tháng, nhưng máu kinh không chảy ra ngoài được vì những nguyên nhân, cổ tử cung bị bít, không có âm đạo, màng trinh không thủng. Những nguyên nhân trên gây ứ máu trong tử cung, hay ứ máu trong tử cung âm đạo.
2.7. Vô kinh do tăng prolactin.
Gọi là tăng prolactin máu khi nồng độ prolactin huyết thanh > 20 ng/ml. Gặp trong khối u tiết prolactin và hội chứng hố yên rỗng, thứ phát đi kèm đa nang buồng trứng, nhược giáp.
3. Chẩn đoán
3.1. Cần hỏi kỹ tiền căn, chu kỳ kinh nguyệt có hay không?
3.2. Khám tổng quát và phụ khoa để phát hiện nguyên nhân. Kiểm tra màng trinh có bít kín hay không.
3.3. Siêu âm tử cung và hai phần phụ để đánh giá hệ sinh dục và loại trừ nguyên nhân thực thể như không có tử cung hay tử cung dị dạng.
3.4. Cần làm xét nghiệm để tìm nguyên nhân: Prolactin, TSH, FT4, FSH, LH và test progesterone.
4. Điều trị vô kinh.
4.1. Cần điều trị theo nguyên nhân: do u tuyến yên chuyển điều trị theo chuyên khoa. Vô kinh do bệnh lý giáp trạng, cần điều trị theo bệnh lý giáp trạng như cường giáp hay suy giáp…
4.2. Trường hợp vô kinh do tăng prolactin. Dùng Bromocriptin 2,5 mg. Ngày đầu, và ngày thứ 2: uống V viên. Ngày thứ 3 và 4: uống 1 viên. Ngày thứ 5 và 6: uống 1,5 viên. Ngày thứ 7 trở đi uống 2 viên/ngày. Sau 30 ngày uống, nếu prolactin còn tăng, thì tăng 3 viên/ngày. Còn prolactin giảm thì duy trì 2 viên/ngày và giảm dần còn uống V viên ngày cho đến khi prolactin trở về bình thường.
4.3. Tạo chu kỳ kinh bằng nội tiết tố thay thế hay viên thuốc ngừa thai hàng ngày như Marvelon mỗi ngày uống 1 viên vào một giờ nhất định.
4.4. Test progesterone để tạo ra kinh nguyệt bằng Utrogestan 200 mg hoặc Duphaston 20mg uống trong ngày, dùng liên tục trong 5 ngày, rồi ngưng.
4.5. Trường hợp bít kín màng trinh làm cho máu kinh không thoát ra được cần rạch màng trinh. Can thiệp phẫu thuật tạo âm đạo, nong cổ tử cung để máu kinh thoát ra.
BÀI GIẢNG PHÁC ĐỒ CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÔ KINH