VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
1. ĐẠI CƯƠNG VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
– Vô khuẩn – tiệt khuẩn là một trong những yêu cầu hàng đầu của ngành Y tế. Đối với cán bộ y tế, trong quá trình khám bệnh, thực hiện các kỹ thuật chăm sóc người bệnh hoặc trong quá trình phẫu thuật, bất cứ một động tác nào tiếp xúc với người bệnh đều có nguy cơ gây nhiễm khuẩn.
Nhiễm khuẩn có thể trực tiếp từ cán bộ y tế sang bệnh nhân và ngược lại: hoặc có thể gián tiếp:
– Một số khái niệm về khử khuẩn – tiệt khuẩn:
+ Khử khuẩn là quá trình loại bỏ nhiều, hoặc tất cả các vi khuẩn gây bệnh trừ nha bào.
+ Tiệt khuẩn là quá trình loại bỏ hoặc phá huỷ tất cả các cấu trúc vi khuẩn bao gồm cả nha bào.
+ Biện pháp chống nhiễm khuẩn là thiết lập môi trường vô khuẩn ngăn ngừa không cho vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể với mục đích làm cho các tổ chức của cơ thể không bị nhiễm khuẩn.
Người điều dưỡng phải có thói quen, phản xạ vô khuẩn. Triệt để tôn trọng quy trình vô khuẩn khi chuẩn bị hấp, sấy dụng cụ, khi tiến hành các thao tác, thủ thuật chăm sóc người bệnh, đồng thời phải biết chọn lựa phương pháp tiệt khuẩn thích hợp.
2. PHÂN LOẠI NGUY CƠ NHIỄM KHUẨN
2.1. Nguy cơ nhiễm khuẩn thấp
Những dụng cụ tiếp xúc với da nguyên vẹn, hoặc da bình thường hay các môi trường ít tiếp xúc với bệnh nhân như tường nhà, trần nhà, sàn nhà, đồ gỗ,… Đối với các loại này chỉ cần làm sạch và để khô.
2.2. Nguy cơ nhiễm khuẩn trung bình
Những dụng cụ không xuyên qua da hoặc đi vào những vùng vô khuẩn của cơ thể, chỉ tiếp xúc với niêm mạc và da không nguyên vẹn (dụng cụ hô hấp, nội soi tiêu hoá,…). Các dụng cụ này phải
được làm sạch sau đó khử khuẩn thích hợp.
2.3. Nguy cơ nhiễm khuẩn cao
Những dụng cụ đi vào các mô cơ thể vô khuẩn như các hốc trong cơ thể và hệ thống mạch máu (dụng cụ ngoại khoa, catheter mạch máu, dụng cụ đặt trong tử cung,…), các dụng cụ này phải được làm sạch sau đó tiệt khuẩn. Với những dụng cụ không được tiệt khuẩn, phải được khử khuẩn ở mức độ cao.
2.4. Bảng phân loại mức độ khử khuẩn và các loại dụng cụ
Bảng 7.1. Đánh giá nguy cơ nhiễm khuẩn và mức độ xử lý
Nơi đến của dụng cụ |
Mức độ nguy cơ |
Loại dụng cụ |
Mức độ yêu cầu diệt vi khuẩn |
Phương pháp xử lý |
Khoang vô khuẩn của cơ thể, hệ thống mạch máu: – Dụng cụ phẫu thuật. – Catheter. – Kim chọc. |
Cao |
Thiết yếu |
Diệt được bào tử vi khuẩn |
– Tiệt khuẩn. – Khử khuẩn bậc cao. |
Màng niêm, da bị tổn thương lớp biểu bì |
Trung bình |
Bán thiết yếu |
Diệt được Mycobacterium, Tuberculosis |
Khử khuẩn mức độ trung bình |
Không tiếp xúc với bệnh nhân, tiếp xúc với da lành |
Thấp |
Không thiết yếu |
Diệt được hầu hết vi khuẩn sinh dưỡng |
Khử khuẩn mức độ thấp |
3. CÁC PHƯƠNG PHÁP KHỐNG CHẾ NHIỄM KHUẨN
3.1 Tẩy uế
Quy trình tẩy uế:
– Đeo găng tay bảo hộ.
– Tráng các vật dụng bằng nước lạnh.
– Ngâm các vật dụng trong dung dịch tẩy chlorin trong 10 phút.
– Lấy các vật dụng ra và tráng ngay bằng nước lạnh để tránh sự ăn mòn.
– Cọ rửa, làm vệ sinh theo thường quy.
3.2. Cọ rửa bằng tay
3.2.1. Nguyên tắc
– Tất cả các dụng cụ phải được tháo rời trước khi cọ rửa.
– Nước máy rất thích hợp vì có thể đào thải hầu hết các chất hữu cơ (máu, đàm,…).
– Phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất là dùng bàn chải chà khắp bề mặt dụng cụ dưới mặt nước.
– Súc rửa dụng cụ với nước sạch, ấm và để khô.
Chú ý:
+ Khi cọ rửa dụng cụ, nhân viên phải mang găng tốt.
+ Bàn chải phải được khử khuẩn và phơi khô sau khi dùng.
3.2.2. Cách tiến hành
– Tẩy uế dụng cụ.
– Cọ rửa dưới vòi nước chảy:
+ Dụng cụ kim loại: Dùng bàn chải và nước xà phòng đánh cọ, sau đó rửa nước sạch.
+ Lòng ống thông: Dùng que thông hoặc nước xà phòng thông thụt, hoặc dùng bơm thụt.
+ Găng tay cao su: Dùng tay vò với nước xà phòng.
+ Đồ gỗ, sàn nhà,…: Dùng bàn chải, xà phòng, dung dịch tẩy uế cọ rửa.
3.3. Cọ rửa bằng máy
3.3.1. Nguyên tắc hoạt động của máy
– Nước sử dụng ban đầu là nước lạnh.
– Rửa lại với nước nóng từ 65oC – 95oC trong vòng từ 15 – 20 phút (chọn nhiệt độ tuỳ thuộc vào loại dụng cụ xử lý).
– Trung hoà những sản phẩm acid nhằm làm loại trừ những vết bẩn do tác nhân tẩy rửa.
– Rửa lại sau cùng với nước nóng với mục đích khử khuẩn (95oC với những dụng cụ không chịu nhiệt) và sau đó làm khô.
– Bôi trơn thường được áp dụng riêng cho các dụng cụ kim loại (lau bằng dầu theo chỉ dẫn của từng loại dụng cụ).
– Làm khô (nếu không có quy trình làm khô, thì thực hiện bằng khăn sạch, đối với những phần rỗng thì làm khô bằng khí nén được sử dụng trong y tế).
3.3.2. Thao tác thực hiện
– Xác định chức năng hoạt động của máy.
– Xác định vị trí đặt các rổ dụng cụ xem có sự quá tải không?
– Lựa chọn chu trình thích hợp và nhiệt độ phù hợp với các dụng cụ được xử lý.
– Kiểm tra sự hoạt động của chu trình làm việc.
– Kiểm tra giai đoạn làm khô của máy.
3.4. Sát khuẩn
– Lau rửa các vùng tiếp xúc, nhất là đôi bàn tay bằng xà phòng và nước sạch trong vòng 1 phút theo kỹ thuật quy định.
– Lau lại bằng gạc tẩm cồn rồi để khô.
3.5. Những điều cần lưu ý
3.5.1. Những điều nên làm
– Sắp xếp những dụng cụ sao cho phù hợp đồng chất với nhau (kim loại với kim loại, thuỷ tinh
với thuỷ tinh, nhựa với nhựa).
– Chọn lựa sản phẩm chứa chất tẩy rửa thích hợp với loại máy cũng như loại dụng cụ xử lý.
– Mở các khớp nối của các dụng cụ.
– Chai lọ phải mở nắp và úp xuống.
– Luôn luôn bắt đầu chu trình bằng rửa nước lạnh nhằm loại bỏ các sản phẩm khử khuẩn và tránh sự cố định của các chất bẩn là protein.
– Kiểm tra chất lượng của nước, nước mềm là tối cần thiết. Giai đoạn rửa sau cùng bằng nước phải làm mất muối khoáng, tránh lắng đọng muối trên dụng cụ.
– Thường xuyên lau chùi máy móc (phin lọc và ống nối).
3.5.2. Những điều không nên làm
– Không trộn những dụng cụ đã bị ăn mòn với những dụng cụ còn tốt.
– Kết hợp trong một lần với những dụng cụ bằng Crome và Inox.
– Đặt quá nhiều dụng cụ trong máy tạo ra những “vùng tối” ảnh hưởng tới sự cọ rửa của máy.
4. CHUẨN BỊ DỤNG CỤ TRƯỚC KHI TIỆT KHUẨN – KHỬ KHUẨN
4.1. Chuẩn bị trước khi tiến hành rửa dụng cụ
– Một thau đựng nước ấm.
– Một thau đựng nước có xà phòng.
– Vải lau ướt.
– Vải, khăn lau khô, gạc.
– Bàn chải, bàn chải đuôi chồn, que cọ.
– Bột tẩy, dung dịch chloroform hoặc bông tẩm cồn.
– Khăn, giấy gói, dây buộc,…
4.2. Kỹ thuật tiến hành
4.2.1. Dụng cụ thuỷ tinh
4.2.1.1. Bơm tiêm
Ngày nay, vấn đề vô khuẩn rất được chú trọng ở trên khắp thế giới. Nhiều bệnh lý có thể lan truyền qua đường tiêm truyền và đã gây nên một đại dịch trên toàn thế giới như bệnh HIV, bệnh viêm gan siêu vi B,… Do vậy để đảm bảo được sự vô khuẩn trong khi tiêm, người ta thường dùng bơm tiêm 1 lần chứ không sử dụng lại.
4.2.1.2. Ống bơm hút
Ngày nay, người ta thường dùng ống bơm hút bằng nhựa để dùng một lần. Tuy nhiên trong những trường hợp thiếu dụng cụ, có thể dùng ống bơm hút bằng thuỷ tinh để sử dụng lại và phải qua các quy trình kỹ thuật vô khuẩn như sau:
– Tháo rời phần thuỷ tinh và phần bầu cao su ra.
– Rửa bằng nước xà phòng ấm ở mặt trong và mặt ngoài của ống thuỷ tinh.
– Rửa lại bằng nước sạch.
Hình 7.1. Thùng chứa kim bẩn
4.2.I.3. Bình, chai, lọ bằng thuỷ tinh
– Lau khô mặt trong và mặt ngoài của ống thuỷ tinh.
– Gói lại bằng gạc vải, ghi nhãn bên ngoài.
– Rửa sạch mặt trong và mặt ngoài dụng cụ bằng nước xà phòng, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
– Lau khô hoặc sấy khô ở tủ ấm.
– Đóng nút chai bằng bông không thấm nước, bông được ấn sâu vào miệng ống.
– xếp vào giỏ (làm bằng dây thép), xếp thẳng đứng, miệng quay lên trên. Mỗi giỏ được bịt kín bằng hai lần giấy không thấm nước.
– Với những bình lớn như bình cầu, ống đo,… kỹ thuật tẩy rửa như tẩy rửa chai lọ, rửa bằng nước xà phòng ấm rồi rửa lại bằng nước sạch, lau khô mặt trong và mặt ngoài của bình.
4.2.2. Dụng cụ kim loại
4.2.2.1. Panh, kéo
– Phải rửa ngay sau khi sử dụng.
– Ngâm dụng cụ vào nước lạnh.
– Rửa bằng nước xà phòng, hoặc ngâm trong nước xà phòng, dung dịch khử khuẩn.
– Khi rửa dùng bàn chải cứng kỳ cọ kỹ, chú ý chỗ răng khớp, ngóc ngách.
– Rửa lại bằng nước sạch, đun sôi 15 phút, sau đó gắp ra lau khô.
– Kiểm tra số lượng từng loại, nếu bị hư hỏng phải gửi đi sửa chữa.
– Đặt dụng cụ vào khăn hai lớp, gói lại, hoặc cho vào hộp chữ nhật.
– Dán nhãn ghi loại dụng cụ, ngày giờ mang đi tiệt khuẩn.
4.2.2.2. Dụng cụ bằng inox, dụng cụ có tráng men
Ngày nay người ta thường dùng dụng cụ bằng inox để dễ tẩy rửa. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người ta sử dụng dụng cụ tráng men. Quy trình tẩy rửa như sau:
– Rửa sạch bằng nước xà phòng.
– Lau lại với bột tẩy.
– Rửa lại thật sạch với nước.
– Cho vào hộp đựng, gói lại bên ngoài, dán nhãn, ghi ngày giờ đưa đi tiệt khuẩn.
4.2.3. Dụng cụ cao su
* Găng tay :
Ngày nay, để đảm bảo vô khuẩn cho bệnh nhân và cho cán bộ y tế, găng tay chỉ được sử dụng một lần. Khi sản xuất găng tay, người ta dùng khí gas ethylen oxit để tiệt khuẩn. Tuy nhiên, trong trường hợp sản xuất găng hàng loạt chưa tiệt trùng, trước khi dùng, người ta phải trải qua quy trình hấp sấy như sau:
+ xếp lại từng đôi.
+ Lật cổ găng xuống 1/3 (= 5cm).
+ Khi đặt găng vào hộp để mang đi tiệt khuẩn, giữa các găng phải đặt một lớp gạc, để ngón cái của găng lên trên.
+ Bên ngoài hộp ghi số lượng găng và ngày giờ tiệt khuẩn.
4.2.4. Quần áo, bông băng, gạc, đồ vải
– Phải luôn kiểm tra số gạc đã sử dụng và số gạc còn lại chưa sử dụng xem có khớp với số gạc đã chuẩn bị ban đầu không.
– Sau khi phẫu thuật xong phải thu thập toàn bộ đồ vải vào một khăn sạch, không để lẫn dụng cụ, găng cao su,… với đồ vải.
– Đồ vải nếu bị nhiễm khuẩn nhiều phải để vào một cái xô, hoặc khăn đã nhúng vào dung dịch khử khuẩn rồi chuyển sang nhà giặt.
– Quần áo, đồ vải lấy ở nhà giặt về phải được phân loại và xếp theo một mẫu đã quy định.
– Gấp áo: Gấp mặt ngoài vào với nhau, dải cho vào trong, gấp kiểu đèn xếp theo chiều từ dưới lên trên.
– Gấp khăn mổ: Gấp kiểu đèn xếp theo chiều dài của khăn.
– Gạc: xếp thành từng gói 10 chiếc và xếp vào trong miếng gạc khác to hơn. Mỗi gói gạc không dày quá 15cm.
5. CÁC PHƯƠNG PHÁP TIỆT KHUẨN
Người ta thường dùng các phương pháp tiệt khuẩn sau:
5.1. Tiệt khuẩn bằng vật lý
5.1.1. Tiệt khuẩn bằng các tia
Người ta thường dùng các tia gamma để tiệt khuẩn.
5.1.2. Tiệt khuẩn bằng sức nóng
Có hai phương pháp:
5.1.2.1. Tiệt khuẩn bằng hơi nóng ẩm (steam sterilization)
– Đây là phương pháp thông thường và thích hợp nhất để tiệt khuẩn cho tất cả các dụng cụ dùng cho các thủ thuật xâm lấn chịu được nhiệt và độ ẩm. Phương pháp này đáng tin, không độc, rẻ tiền, diệt được bào tử, ít tốn thời gian vì hơi nước có thể xuyên qua vải bọc dụng cụ.
– Kỹ thuật:
+ Khi có áp lực, mở van xả ra để tháo hết không khí lạnh trong buồng ra, xả chậm và sau đó đóng lại.
+ Thời gian tiệt khuẩn các dụng cụ tuỳ thuộc vào nhiệt độ và áp suất của quy trình hấp sấy:
Dụng cụ | Thời gian (phút) | Áp suất (atm) | Nhiệt độ (oC) |
Cao su |
15 | 0,1 – 0,11 | 121 |
Vật liệu vải |
20 – 45 | 0,1 – 0,14 | 121 – 126 |
Kim loại |
15 | 0,1 – 0,14 | 121 – 126 |
Dung dịch trong bình |
20 – 40 | 0,1 – 0,14 | 121 – 126 |
Khí cụ và máy khác |
10 | 0,1 – 0,14 | 121 – 126 |
+ Khi hấp xong, xoay các núm về vị trí “OFF” và mở van xả hơi. Không nên xả nhanh vì có thể làm hư hỏng dụng cụ. Xả vừa phải. Khi áp lực xuống 0, đợi 1 – 2 phút rồi mở hở cửa khoảng 1 -5cm. Đợi 10 – 15 phút cho khô hơi nóng rồi lấy dụng cụ ra.
5.1.2.2. Tiệt khuẩn bằng hơi nóng khô (dry heat)
Phương pháp này đòi hỏi thời gian dài hơn cho nên chỉ phù hợp với dụng cụ thuỷ tinh và dụng cụ kim loại cùn.
– Sử dụng một nồi hấp khô (hot air oven) có quạt, hoặc hệ thống dẫn để đảm bảo sự phân phối đều khắp của hơi nóng.
– Thời gian là 170oC trong 2 giờ hoặc 180oC trong 1 giờ.
– Hiện nay người ta ít khuyến cáo việc sử dụng hơi nóng khô do khả năng tiệt khuẩn không bằng hơi nóng ẩm và dễ làm hư hỏng dụng cụ.
5.2. Tiệt khuẩn bằng hoá chất
Phương pháp tiệt khuẩn bằng hoá chất rất phức tạp nhưng ít hữu hiệu.
5.3. Tiệt khuẩn bằng khí (gas sterilization)
Các loại khí thường được dùng để tiệt khuẩn dụng cụ là: ethylen oxit (EO), formaldehyde, hoặc hấp ướt ở nhiệt độ thấp kết hợp với sử dụng formaldehyde.
6. CÁC PHƯƠNG PHÁP KHỬ KHUẨN
6.1. Khử khuẩn bằng các dung dịch hoá chất
Có 3 mức độ khử khuẩn:
– Khử khuẩn mức độ cao là quá trình khử khuẩn đòi hỏi phải diệt được hầu hết các loại vi khuẩn, nấm, virut, trực khuẩn lao, kể cả bào tử vi khuẩn. Sản phẩm hoá học đáp ứng được yêu cầu này là loại hoá chất glutaradehyde ở nồng độ 2%, hypochlorite, acide pevicetic,…
– Khử khuẩn mức độ trung bình là quá trình khử khuẩn đòi hỏi phải diệt được các loại vi khuẩn, nấm, virut, trực khuẩn lao nhưng không diệt được bào tử. Các loại hoá chất thường được sử dụng là nhóm iodine, formol, phenolic, cồn.
– Khử khuẩn mức độ thấp là quá trình khử khuẩn đòi hỏi phải diệt được các loại vi khuẩn sinh dưỡng, một số virut có kích thước trung bình và có vỏ lipide. Các hoá chất thường được sử dụng: amoni bậc 4, amphoteres, aminoacide, chlorhexidine.
Chú ý:
– Những dụng cụ có bề mặt quá lớn không thể ngâm ngập trong hoá chất (bàn tắm, bàn tiểu phẫu, bàn mổ,…), dùng khăn sạch tẩm nước để lau, sau đó dùng khăn sạch tẩm hoá chất để lau rồi rửa lại bằng nước xà phòng và để khô. Nếu sử dụng cồn thì không cần lau rửa, ngoài ra nếu dùng hỗn hợp cồn với một chất khử khuẩn khác (chlorhexidine) thì hiệu quả khử khuẩn càng cao hơn nữa.
– Quá trình khử khuẩn bậc cao thường được áp dụng cho các loại dụng cụ không chịu nhiệt, đắt tiền sau khi đã được làm sạch như: nội soi, dây máy thở,…
– Một trong những sản phẩm được sử dụng rộng rãi cho khử khuẩn bậc cao là glutaraldehyde 2% (Cidex). Nếu sử dụng cho giữa hai lần thăm khám chỉ cần ngâm 20 phút. Nếu cần khử khuẩn bậc cao có thể ngâm trong 1 giờ.
– Các dụng cụ sau khi được khử khuẩn bậc cao tránh tái nhiễm.
– Các loại dung dịch hoá chất thường dùng để khử khuẩn:
+ Cồn 700: thời gian khử khuẩn cần thiết là 20 phút.
+ Dung dịch iod 20%: thời gian khử khuẩn là 15 – 20 phút.
+ Dung dich oxy già: khử khuẩn các vết thương nhiễm bẩn, chảy máu,…
+ Các hợp chất clo: dùng để khử khuẩn sàn nhà, tường, bàn chà sàn nhà,…
6.2. Khử khuẩn bằng nhiệt
– Hấp ướt: ở 70oC đến 100oC.
– Đun sôi ở 100oC trong ít nhất 5 phút kể từ lúc bắt đầu sôi là biện pháp đơn giản và đáng tin cậy nhất trong việc bất hoạt các vi sinh vật bao gồm virut viêm gan B, HIV và vi khuẩn lao, miễn là nó được thực hiện một cách tỷ mỷ. Nồi luộc phải được để khô và thay nước trước khi dùng.
– Đun sôi ở nhiệt độ thấp 80oC trong 5 phút cho các dụng cụ dễ bị hư hại.
– Khử khuẩn bằng máy cũng được thực hiện với các dụng cụ (vải vóc, vải giường, bô, chén bát, các ống máy thở, kính đeo mắt trong phòng xét nghiệm và những dụng cụ phẫu thuật trước khi hấp). Ở các máy này, các bước làm sạch, khử khuẩn nước nóng, làm khô được phối hợp, hoà hợp với nhau, giúp cung cấp nhanh các dụng cụ (dây máy thở), hoặc đảm bảo an toàn trong việc sử dụng (dụng cụ phẫu thuật) và việc súc rửa kỹ càng trước khi dùng máy có thể làm cho thời gian khử khuẩn của máy ngắn hơn (70oC trong 3 phút và 80oC trong 1 phút).
6.3. Khử khuẩn bằng tia cực tím, hơi formol, hoặc khí ozol
Phương pháp khử khuẩn này thường được áp dụng ở các phòng mổ.
6.4. Nguyên tắc lựa chọn hoá chất dùng trong khử khuẩn bệnh viện
Hoá chất khử khuẩn phải đảm bảo một số tiêu chuẩn sau:
– Phổ kháng khuẩn rộng.
– Tác dụng nhanh.
– Không bị ảnh hưởng bởi các chất như chất hữu cơ, xà phòng, chất tẩy rửa hoặc các hoá chất khác.
– Không gây độc cho bệnh nhân, nhân viên y tế và môi trường.
– Không ảnh hưởng lên các dụng cụ y khoa bằng kim loại cũng như các vật dụng bằng vải, cao su, chất dẻo khác.
– Phải có hiệu quả lâu dài trên bề mặt được xử lý: Để lại một lớp màng tráng chống vi khuẩn trên bề mặt dụng cụ sau khi xử lý.
– Dễ sử dụng, mùi vị phải dễ chịu hoặc không mùi.
– Rẻ tiền.
– Phải hoà tan hoàn toàn trong nước và ổn định khi pha loãng.
– Phải có tác dụng làm sạch.
EBOOK – SÁCH ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
HỒ SƠ BỆNH NHÂN VÀ CÁCH GHI CHÉP
KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
CHUẨN BỊ GIƯỜNG BỆNH
CHO BỆNH NHÂN DÙNG THUỐC
PHƯƠNG PHÁP VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN HỆ TIẾT NIỆU
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN Ở HỆ TIÊU HOÁ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN KHI ĐAU
CHĂM SÓC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
CÁC TƯ THẾ NGHỈ NGƠI TRỊ LIỆU
CHĂM SÓC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CƠ THỂ
ĐO DẤU HIỆU SỐNG
KỸ THUẬT TIÊM THUỐC
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
THÔNG TIỂU
THỤT THÁO
PHƯƠNG PHÁP CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN
RỬA TAY NGOẠI KHOA (SCRUBBING)
MẶC ÁO VÀ MANG GĂNG TAY VÔ TRÙNG (GOWNING AND CLOSED GLOVING)
KỸ THUẬT BĂNG BÓ
RỬA TAY THƯỜNG QUY
THAY BĂNG, RỬA VẾT THƯƠNG ỐNG DẪN LƯU
CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
ĐẶT XÔNG DẠ DÀY – RỬA DẠ DÀY
LIỆU PHÁP ÔXY
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC CHỌC DÒ TUỶ SỐNG, MÀNG BỤNG, MÀNG PHỔI VÀ MÀNG TIM
ĐO LƯỢNG DỊCH VÀO – RA
DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐIỆN GIẬT
SƠ CỨU BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN DO NƯỚC
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN DO NHIỆT
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC ĐẶT CATHETER VÀ ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN
SƠ CỨU GÃY XƯƠNG