DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
1. ĐẠI CƯƠNG
Loét ép là một loại loét có tính chất hoại tử do một vùng cơ thể kém dinh dưỡng mà nguyên nhân là bị tì đè kéo dài. Khi một vùng da cơ nào đó của cơ thể bị tì đè vào vật cứng kéo dài thì sự tuần hoàn tại chỗ bị cản trở, máu động mạch không đến được gây thiếu máu nuôi dưỡng, máu tĩnh mạch ứ lại gây xung huyết, phù nề. Da tại chỗ dần dần bầm tím và sau cùng gây nên hoại tử.
Ngoài ra, ở những bệnh nhân mồ hôi ra nhiều, đại tiện không tự chủ, nôn mửa, vải trải giường không phẳng… cũng tạo điều kiện thuận lợi gây loét ép. Do đó, sự xoay trở cơ thể thường xuyên đồng thời dùng các phương tiện chống loét ép sẽ làm giảm sức ép và kích thích tuần hoàn đến da tại vị trí các chỗ xương lồi là cần thiết để phòng ngừa loét ép.
2. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY LOÉT ÉP
Bệnh nhân bị các bệnh lý sau đây dễ bị loét ép do bị tì đè kéo dài ở một tư thế:
– Liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống (viêm tủy, chấn thương cột sống có liệt tuỷ…).
– Hôn mê do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, u não, viêm não, nhiễm khuẩn nặng, nhiễm độc, hạ đường huyết, urê máu cao…
– Sau phẫu thuật thần kinh, sau bó bột chậu lưng chân…
– Những người già thiếu dinh dưỡng nằm lâu ngày, vận động kém…
. CÁC VỊ TRÍ DỄ BỊ LOÉT ÉP
3.1. Trường hợp bệnh nhân nằm ngửa
Nếu bệnh nhân nằm ngửa kéo dài mà không được chăm sóc chống loét chu đáo thì các vị trí sau đây dễ bị loét ép: (hình 16.1)
– Vùng xương cùng dễ bị loét ép sớm nhất.
– Vùng chẩm.
– Vùng xương bả vai.
– Khuỷu tay.
– Hai gai chậu sau trên.
– Gót chân.
– Dưới mông.
Hình 16.1. Bệnh nhân nằm ngửa
1. Gót chân; 2. Vùng xương cùng; 3. Khuỷu tay;
4. Vùng xương bả vai; 5. Vùng chẩm.
3.2. Trường hợp bệnh nhân nằm sấp
Nếu bệnh nhân bị một bệnh lý nào đó không nằm ngửa được mà phải nằm sấp dài ngày, (ví dụ: bệnh nhân bị bỏng ở vùng lưng) vùng dễ bị loét ép là: (hình 16.2).
– Vùng xương ức.
– Vùng xương sườn.
– Đầu gối (xương bánh chè).
– Mu chân.
Hình 16.2. Bệnh nhân nằm sấp
1. Mu chân, 2. Đầu gối, 3. Vùng hông,
4. Vùng xương sườn, 5. Vùng xương ức.
3.3. Trường hợp bệnh nhân nằm nghiêng
Nếu bệnh nhân nằm nghiêng kéo dài thì các vị trí thường bị loét ép là: (hình 16.3)
– Mắt cá chân ngoài, vai, một bên ngoài lồng ngực.
– Phía ngoài đầu gối chân bên này và mặt trong đầu gối chân bên kia.
– Vùng mấu chuyển lớn xương đùi.
Hình 16.3. Bệnh nhân nằm nghiêng
1. Mắt cá chân ngoài, 2. Đầu gối, 3. Mấu chuyển lớn,
4. Mặt bên lồng ngực, 5. Vai.
3.4. Trường hợp bệnh nhân suy hô hấp phải ngồi kéo dài
Các vị trí dễ bị loét ép là: (hình 16.4)
– Ụ ngồi của xương chậu (hay gặp nhất).
– Vai.
– Xương cùng.
– Vùng khoeo.
Hình 16.4. Bệnh nhân ngồi
1. Gót chân, 2. Ụ ngồi, 3. Xương cùng, 4. Vai.
3.5. Ở các bệnh nhân béo phì
– Dưới ngực.
– Dưới mông.
– Nếp gấp trên da bụng.
4. CÁCH DỰ phòng loét ép
4.1. Nguyên tắc
Phải thực hiện ba nguyên tắc sau để giúp cho máu dễ lưu thông
– Giữ gìn da sạch và khô, nhất là những vùng bị tì đè dễ có nguy cơ bị loét ép.
– Thường xuyên xoa bóp những vùng dễ bị loét ép.
– Thường xuyên thay đổi tư thế bệnh nhân, tối đa 2 giờ một lần.
4.2. Chuẩn bị dụng cụ
– Chậu nước ấm.
– Xà phòng.
– Bột talc.
– Cồn 70o.
– Khăn, bông.
– Vải trải giường.
– Đệm nước.
– Vòng hơi cao su, vòng bông (ngày nay ít dùng).
4.3. Cách tiến hành
– Giải thích cho bệnh nhân biết việc sắp làm.
– Mang dụng cụ đến giường bệnh nhân.
– Bệnh nhân được nằm ở vị trí thuận tiện cho việc chăm sóc.
– Lau rửa sạch bằng nước ấm ở những vùng ẩm ướt, bẩn, vùng mông, nhất là những vùng dễ bị loét ép.
– Sau đó lau khô lại những vùng đó.
– Xoa bóp những chỗ tì đè bằng cồn và bột talc.
– Đặt bao cao su vào dương vật bệnh nhân nối với hệ thống có túi chứa để hứng nước tiểu nếu là nam giới và đặt khăn thấm vào cơ quan sinh dục nữ (hiện có bán trên thị trường) trong trường hợp bệnh nhân đi tiểu không tự chủ.
– Lót khăn và tấm nylon dưới mông bệnh nhân, khi có phân thì lau ngay (trường hợp bệnh nhân đại tiện không tự chủ).
– Thay vải trải giường, giữ giường sạch, khô và thẳng.
– Thay đổi tư thế bệnh nhân ít nhất là hai giờ một lần. Phải thay đổi càng nhiều vị trí càng tốt, tuy nhiên khó thực hiện đầy đủ. Nằm sấp là một phương pháp có hiệu quả để giảm sức ép của khung xương ở phần lưng, khi nằm sấp phải bảo đảm đường thông khí không bị cản trở và nằm ở vị trí thoải mái. Ngồi cũng là một phương pháp được áp dụng để thay đổi trọng lượng và sức ép nếu bệnh nhân có thể ngồi được.
– Cho bệnh nhân nằm trên đệm nước là phương pháp tốt nhất hiện nay và đang được áp dụng rộng rãi để phòng chống loét (hình 16.5). Khi bệnh nhân nằm trên đệm nước, sẽ không có vị trí nào của cơ thể bị tì đè vào vật cứng, mà phân phối đều trên bề mặt của đệm nước nên tránh được loét ép. Khi ta dùng tay ấn vào bất kỳ vị trí nào của đệm nước thì nước trong đệm sẽ di chuyển mọi hướng làm cho bệnh nhân luôn ở tư thế vận động, có tác dụng như thay đổi tư thế bệnh nhân.
Hình 16.5. Hình ảnh bệnh nhân nằm trên đệm nước
– Nếu không có đệm nước thì có thể dùng vòng hơi cao su. Đặt vòng hơi cao su (chỉ bơm hơi vừa phải) dưới mông của bệnh nhân (nếu bệnh nhân nằm ngửa). Lót gối ở vai nếu bệnh nhân nằm nghiêng. Đặt vòng bông ở những ụ xương khác như mắt cá, gót chân, bả vai… Vòng hơi và vòng bông hiện nay ít sử dụng và không đem lại hiệu quả phòng chống loét ép.
5. CÁCH CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ LOÉT ÉP
Dự phòng loét ép là rất quan trọng, nhưng nếu bệnh nhân đã bị loét ép cần chăm sóc, điều trị đúng quy cách để vết loét ép không tăng thêm mà làm cho quá trình lành vết loét nhanh chóng.
Bệnh nhân phải được nuôi dưỡng hợp lý là cần thiết cho quá trình điều trị. Một chế độ ăn giàu prôtêin và đầy đủ các loại vitamin như: trứng, sữa, cá, đậu, thịt, hoa quả tươi… sẽ thúc đẩy quá trình lên tổ chức hạt và lành sẹo vết loét ép.
Dấu hiệu của loét ép:
– Lúc đầu bệnh nhân có thể đau hoặc không đau ở vị trí tì đè…
– Da vùng bị tì đè đỏ lên do sung huyết, sau đó có nốt phỏng.
– Nốt phỏng vỡ thành vết trợt biểu bì, dưới vết trợt có màu đỏ hoặc xanh rồi đen lại.
– Cảm giác và nhiệt độ tại chỗ giảm.
– Vết loét tăng nhanh gây hoại tử, khó điều trị do có thể bị bội nhiễm.
5.1. Chuẩn bị dụng cụ
Ngoài các dụng cụ dự phòng kể trên, cần có thêm:
– Nước ôxy già, nước muối sinh lý.
– Đèn nóng, đèn tử ngoại hoặc tia lazer.
– Một khay dụng cụ băng bó loét ép.
– Thuốc theo chỉ định điều trị.
5.2. Tiến hành
Các bước tiến hành như dự phòng loét ép, ngoài ra cần thực hiện thêm:
– Không để vùng loét bị đè ép thêm nữa bằng cách đặt bệnh nhân nằm trên đệm nước, đồng thời thường xuyên thay đổi tư thế nằm, tránh nằm trên vùng đã bị loét ép.
– Vi sinh vật gây bệnh có thể lan truyền do tiếp xúc trực tiếp nên phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc loét ép. Vùng bị loét ép được rửa bằng ôxy già, sau đó là nước muối sinh lý. Nếu vùng bị loét ép có tổ chức hoại tử thì phải cắt bỏ.
– Có thể sử dụng đèn nóng, đèn tử ngoại hoặc lazer chiếu trực tiếp vào vết loét trong vòng 20 phút làm cho vết loét chóng lên tổ chức hạt và liền sẹo.
Chú ý: Khi sử dụng đèn tử ngoại, tia lazer tránh chiếu đèn vào mắt bệnh nhân.
– Đắp thuốc theo chỉ định điều trị.
– Băng lại hoặc để hở tùy tình trạng loét.
– Xoa bóp phần xung quanh chỗ bị loét để kích thích tuần hoàn.
5.3. Dọn dẹp và bảo quản dụng cụ
– Mang dụng cụ về phòng.
– Rửa sạch dụng cụ bằng xà phòng và nước.
– Đem dụng cụ đi tiệt khuẩn.
– Cất dụng cụ vào chỗ cũ.
5.4. Ghi hồ sơ bệnh án
– Tình trạng của da, những phát hiện mới nếu có.
– Tình trạng của tổ chức hoại tử.
– Loại thuốc dùng.
– Hướng dẫn cách tự chăm sóc, vận động cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
6. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý
– Nên phòng loét hơn là điều trị loét.
– Những bệnh nhân dễ bị loét ép nên cho nằm trên đệm nước, thay đổi tư thế, xoa bóp thường xuyên…
– Theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu khởi đầu của loét ép.
– Giữ cho da bệnh nhân sạch sẽ và khô ráo ngay mỗi khi bẩn, ẩm ướt.
– Chế độ ăn cần nhiều chất đạm và vitamin…
EBOOK – SÁCH ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
HỒ SƠ BỆNH NHÂN VÀ CÁCH GHI CHÉP
KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
VÔ KHUẨN – TIỆT KHUẨN
CHUẨN BỊ GIƯỜNG BỆNH
CHO BỆNH NHÂN DÙNG THUỐC
PHƯƠNG PHÁP VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN HỆ TIẾT NIỆU
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN Ở HỆ TIÊU HOÁ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN KHI ĐAU
CHĂM SÓC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
CÁC TƯ THẾ NGHỈ NGƠI TRỊ LIỆU
CHĂM SÓC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CƠ THỂ
ĐO DẤU HIỆU SỐNG
KỸ THUẬT TIÊM THUỐC
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
THÔNG TIỂU
THỤT THÁO
PHƯƠNG PHÁP CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN
RỬA TAY NGOẠI KHOA (SCRUBBING)
MẶC ÁO VÀ MANG GĂNG TAY VÔ TRÙNG (GOWNING AND CLOSED GLOVING)
KỸ THUẬT BĂNG BÓ
RỬA TAY THƯỜNG QUY
THAY BĂNG, RỬA VẾT THƯƠNG ỐNG DẪN LƯU
CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
ĐẶT XÔNG DẠ DÀY – RỬA DẠ DÀY
LIỆU PHÁP ÔXY
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC CHỌC DÒ TUỶ SỐNG, MÀNG BỤNG, MÀNG PHỔI VÀ MÀNG TIM
ĐO LƯỢNG DỊCH VÀO – RA
DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐIỆN GIẬT
SƠ CỨU BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN DO NƯỚC
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN DO NHIỆT
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC ĐẶT CATHETER VÀ ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN
SƠ CỨU GÃY XƯƠNG