TĂNG NATRI MÁU
I- ĐẠI CƯƠNG
– Tăng natri máu xảy ra khi nồng độ natri máu > 145 mEq/L.
– Đánh giá và điều trị thường tập trung vào hai câu hỏi sau:
1. Tình trạng thể tích dịch của bệnh nhân như thế nào?
2. Đây là vấn đề cấp tình hay mạn tính?
II- NGUYÊN NHÂN TĂNG NATRI MÁU
Chia thành hai nhóm chính:
1- Tăng lượng natri vào
2- Mất nước (nhóm này thường gặp hơn): bao gồm mất nước qua thận (lơi tiểu thẩm thấu và đái tháo nhạt); mất nứơc ngoài thận (mất dịch nhược trương qua đường hô hấp, da, tiêu hoá, thường gặp là tiêu chảy thẩm thấu do lactulose, sorbitol, hôi chứng kém hấp thu và viêm dạ dày-ruột do siêu vi)
III- BIỂU HIỆN LÂM SÀNG TĂNG NATRI MÁU
– Tương tự như hạ natri máu, các triệu chứng của tăng natri máu chủ yếu là triệu
chứng thần kinh, mức độ nặng của các triệu chứng tùy thuộc mức độ tăng và tốc độ tăng natri máu.
– Tăng natri máu dẫn đến tăng áp suất thẩm thấu máu sẽ rút nước ra khỏi tế bào dẫn
đến mất nước nội bào gây ra teo não và các triệu chứng thần kinh mà lâm sàng thường gặp gồm: mỏi mệt, rối loạn tri giác, bứt rứt, hôn mê, co giật. Tuy nhiên các triệu chứng nặng thường ít gặp khi [Na+] < 160 mEq/L.
IV- XÉT NGHIỆM TĂNG NATRI MÁU
Tăng natri máu chắc chắn sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu máu, do đó không cần đo áp lực thẩm thấu (ALTT) máu. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân tăng natri máu gồm ALTT nước tiểu và natri niệu.
1. Áp lực thẩm thấu nước tiểu (ALTTnt).
– Khi ALTTmáu tăng sẽ kích thích bài tiết ADH dẫn đến cô đặc nước tiểu tối đa ALTTnt > 800 mOsm/L), và thường kèm giảm thể tích nước tiểu.
– ALTTnt tăng chứng tỏ trục ADH-thận không bị tổn thương. Do đó nguyên nhân tăng natri máu có thể là: tăng natri, mất nước ngoài thận hoặc mất nước qua thận lâu rồi
2. Na niệu.
– Các nguyên nhân tăng natri sẽ làm [Na+] niệu tăng, thường là > 100 mEq/L.
– Ngược lại [Na+] niệu thấp < 20 mEq/L gặp trong các nguyên nhân gây mất nước và giảm thể tích.
V- ĐIỀU TRỊ TĂNG NATRI MÁU
1. Nguyên tắc chung.
Mục tiêu điều trị của tăng natri máu:
(1) bù lượng nước mất
(2) điều trị bệnh nguyên nhân.
[Na+] máu phải được giảm xuống từ từ, giữ cho natri máu không giảm quá 0,5 mEq/L/giờ (<12mEq/L trong 24giờ đầu tiên) vì giảm natri máu quá nhanh có thể gây phù não và các biến chứng thần kinh nghiêm trọng
2. Bù nước mất.
Giả sử muốn đưa [Na+] về mức bình thường là 140 mEq/L, thì
lượng nước thiếu (water deficit)=[(Na hiện tại – 140)/140] X TBW. Trong đó
lượng nước toàn cơ thể tính tương tự như trong hạ natri máu.
Ví dụ: bệnh nhân nữ 60kg, có [Na+] 160 mEq/L, muốn đưa [Na+] xuống 140 mEq/L thì lượng nước cần bù = 4,3 lít.
Tốc độ bù nước, giữ cho [Na+] không giảm quá 0,5 mEq/L/giờ (< 12 mEq/L trong 24 giờ đầu tiên).
Bù nước qua đường tĩnh mạch có một số hạn chế:
(1) quá tải tuần hoàn (nếu dùng NaCl nhược trương 0,45%)
(2) tăng đường máu (nếu dùng dextrose 5%).
Vì vậy, cách bù nước an toàn nhất là qua đường tiêu hóa (uống hoặc đặt thông dạ dày).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giles H, Vijayan A. Fluid and electrolyte management. In: Manual of medical therapeutics
2. Verbalis JG, Stern RH. Hyponatremia treatment guidelines 2007: expert panel recommendations. The American Journal of Medicine 2007
3. Phác đồ điều trị 2013 phần nội khoa bệnh viện Chợ Rẫy
4. Điều trị học nội khoa Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh